Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, là nơi bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp. Những giá trị quý báu như: truyền thống yêu nước, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động; bất khuất, kiên cường vượt qua bao khó khăn thử thách trong quá trình dựng nước và giữ nước đã được gia đình giữ gìn, vun đắp và phát huy.
Ngày nay, với sự biến đổi của nền kinh tế hàng hóa và thị trường văn hóa, không ít gia đình (GĐ) đang có biểu hiện xuống cấp vì những tác động xấu của đời sống xã hội. Sự ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần, từ đó dẫn đến tình trạng xung đột, đổ vỡ, ly hôn ngày càng gia tăng. Ở khía cạnh khác của xã hội hiện đại, có nhiều vấn đề phức tạp mới phát sinh, cùng những tồn tại lạc hậu chưa được đẩy lùi như: kết hôn sớm, bạo lực GĐ, trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ vi phạm pháp luật… thì việc chăm lo, giáo dục đời sống tinh thần, vật chất để mỗi GĐ thật sự là tổ ấm là điều vô cùng cần thiết.
Quá trình hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi con người đều được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận kiến thức từ GĐ, nhà trường và xã hội. Trong đó, GĐ là môi trường giáo dục đầu tiên và suốt cuộc đời; là nơi định hình nhân cách của mỗi con người. Trong một GĐ có lối sống đề cao trách nhiệm, nghĩa tình, đức hy sinh, tính bản thiện, sự quan tâm tới mọi người và nhân cách cao thượng của ông bà, cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành, phát triển nhân sinh quan và thế giới quan của thế hệ trẻ. Người xưa thường dạy “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “Giỏ nhà ai quai nhà ấy”; “Cha nào con nấy” hay “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”… cho thấy sự ảnh hưởng và trách nhiệm của GĐ hết sức quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của thế hệ nối tiếp. Bên cạnh cha mẹ - con cái, trong GĐ còn có quan hệ vợ, chồng, đây là quan hệ cơ bản, đan xen giữa khía cạnh tự nhiên - sinh học, kinh tế và tâm lý đạo đức. Văn hóa trong GĐ nói chung, quan hệ vợ, chồng nói riêng cần đươc mọi thành viên trân trọng, xây dựng và vun đắp để tổ ấm hạnh phúc bền vững trên cơ sở tình yêu thương cho con trẻ noi theo. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm sống quý báu của ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua hành vi ứng xử trong GĐ có tác động lớn trong việc phát triển nhân phẩm của con trẻ. “Dạy con từ thuở còn thơ”, các bậc cha, mẹ cần thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ, ăn nói lễ phép, tôn kính người trên, tôn sư trọng đạo, nhường nhịn lẫn nhau để khi trưởng thành con cái biết công ơn sinh thành, dưỡng dục để quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ.
Người ta đã nói rằng: “Có một nơi để về, đó là nhà; có những người để yêu thương, đó là GĐ; có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Đối với mỗi cá nhân, GĐ luôn là cội nguồn của mọi thành công, là điểm xuất phát và nơi nương tựa để vượt qua mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống. GĐ là chốn nương náu cuối cùng của mỗi con người. Khi đạt được thắng lợi hay thành công, sau chúng ta là GĐ. Khi gặp khó khăn hay thất bại, GĐ là nơi đem lại cho ta niềm tin và nghị lực. GĐ luôn là nơi bình yên cho mỗi cá nhân, trong cuộc sống của mỗi con người không thể tách rời với GĐ yên ấm, hạnh phúc.
Ngày GĐ Việt Nam là mốc thời gian quan trọng để cho mọi người hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, GĐ vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay trở về.
N.M.T