Nỗi khổ bị “bom hàng”

07/06/2022 - 00:55

 - Bán hàng trên trang thương mại điện tử tuy tiện lợi, nhưng dễ đối mặt với rủi ro khi người mua không nhận hàng ("bom hàng") hoặc trả hàng với nhiều lý do khác nhau. Chủ cửa hàng online và người giao hàng (shipper) rất sợ gặp cảnh “bom hàng”. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu, mất khoản phí không đáng, mà còn mất thời gian, công sức, kéo theo thủ tục hoàn trả hàng phức tạp.

Tình trạng này xảy ra khá phổ biến với cửa hàng sử dụng hình thức giao hàng thu tiền hộ (ship COD), gây ra thiệt hại cho người bán, bởi họ vừa phải nhận lại hàng, vừa phải thanh toán 2 lần phí ship. “Khi đặt hàng, nghe tư vấn, khách nhiệt tình chốt đơn. Nhưng đến khi shipper gọi thì họ không nghe máy, hoặc kêu shipper chạy giao chỗ nọ chỗ kia, cuối cùng không nhận. Mỗi lần hàng hoàn trả, tôi tốn phí đầu đi, đầu về 50.000 đồng, chưa kể hàng bị hư hỏng, nhẹ nhất cũng mất 20% cho 1 đơn hàng trong quá trình vận chuyển. Vừa mất tiền, tôi vừa mất thời gian, công sức cho việc chốt đơn, lên đơn, đóng gói, giao hàng. Thời gian hoàn trả hàng về khá lâu, trong khi khách cần mua không có hàng để bán. Khách chán, bỏ đi chỗ khác, cửa hàng mất mối” - đại diện cửa hàng bán phụ tùng xe máy Phát Trần (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) bức xúc.

Nhiều tài khoản bán hàng online trên mạng xã hội ấm ức chia sẻ tình trạng người mua không nhận hàng. Điển hình như tài khoản “Cao Cá Sấu H.C”: “Mấy hôm trước, khách gọi hỏi tư vấn thuốc, cao cá sấu. Sau khi báo giá và tư vấn các loại cao thuốc cho khách, yêu cầu ship ra Thừa Thiên - Huế. Tới ngày giao hàng, bưu tá gọi không được. Cửa hàng gọi thì khách nói “không có đặt hàng, mình ở TP. Hồ Chí Minh, chứ không ở Thừa Thiên - Huế”. Khổ thân anh shipper lẫn cửa hàng, chịu lỗ phí ship 2 đầu”.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Ông T.T.N (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ khó khăn trong công việc shipper của mình: “Thường, mỗi lần liên hệ ship hàng, người thì hẹn mai lại kho lấy, người thì gọi điện thoại không nghe (gọi 3 ngày liên tục mới được ngừng giao đơn đó). Quy định của công ty là quá trình giao, người mua không nhận hàng sẽ không có lương; giao thành công 1 đơn hàng tôi nhận khoảng 4.500 đồng, chi phí shipper chịu hết. Đặc biệt, những đơn hàng 1.000-9.000 đồng, khách nhờ nhận dùm, hôm sau lại gọi khiếu nại là “không ai giao”. Bỏ tiền túi ra đền hàng thì dễ rồi, nặng nhất là shipper bị trừ lương. Làm nghề này, tôi chỉ mong sao giao được đơn hàng thuận lợi. Dãi nắng, dầm mưa đi giao hàng, còn gặp "bom hàng", nản lắm”.

Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong đó, giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản. Trong trường hợp này, giao dịch đặt hàng được xem là việc các bên đã thỏa thuận xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa. Và khi hợp đồng đã được xác lập, mỗi bên có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc giao đặt hàng, cụ thể với bên mua là phải thực hiện nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền mua. Điều 298 quy định về đối tượng; số lượng; chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng… Do đó, người mua đặt hàng nhưng không nhận, tức là đã vi phạm về trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện nêu trong hợp đồng, giao dịch dân sự.

Hiện nay, khách hàng thường dùng tài khoản mạng xã hội để đăng ký mua hàng, hoặc đăng ký tài khoản trên ứng dụng mua hàng online, vận chuyển tận nơi. Để khắc phục tình trạng "bom hàng", trước khi vận chuyển đơn hàng có giá trị lớn, người bán nên yêu cầu người mua xác nhận mã số qua email, số điện thoại để xác định “chính chủ” của tài khoản mạng xã hội hoặc thuê bao điện thoại, hạn chế tình trạng “khách ảo”, “khách giả mạo”. Trong trường hợp khách hàng cố tình “bùng” hàng có giá trị lớn, có thể khởi kiện ra tòa án, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Từ đó, sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người bán, nâng cao trách nhiệm của người mua, giảm bớt tình trạng "bom hàng" giá trị lớn đối với shipper.

Tuy nhiên, thông thường người bán và shipper đều “ngậm bồ hòn”, vì thấy giá trị đơn hàng bị "bom" không quá lớn, nếu khởi kiện hoặc khiếu nại sẽ mất thời gian, công sức nhiều hơn. Vì vậy, họ lựa chọn giải pháp “cạch mặt” tài khoản đó hoặc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội để cảnh báo chung. Tình trạng "bom hàng" phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người mua, rất khó để xử lý dứt điểm, ảnh hưởng tới uy tín người mua chân chính. Mong người mua hàng online có ý thức và trách nhiệm với đơn hàng mình đã đặt, vì người giao hàng và người bán hàng vất vả kiếm tiền trang trải cuộc sống. Việc mua hàng online còn thể hiện sự văn minh, văn hóa mua hàng hiện đại.

N.S