Nông dân có mặn mà trồng rau Tết?

03/01/2022 - 06:49

Những ngày này, về huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), nông dân đang tất bật trồng và chăm sóc diện tích rau, màu phục vụ người tiêu dùng và chuẩn bị cho vụ Tết. Ai cũng kỳ vọng rau được mùa, trúng giá để bà con đón Tết đầm ấm, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều nông dân ngán ngại, chưa mặn mà với vụ rau Tết.

Giá thấp do ảnh hưởng dịch bệnh

Trước đây, trồng màu trúng mùa, được giá, nông dân thu lợi nhuận khá cao. Người trồng rau huyện Chợ Mới có thể quay vòng đất từ 4-7 vụ/năm, tùy loại rau, màu, như: Hành, hẹ, ngò, mồng tơi, cải các loại... Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, việc tiêu thụ và giá cả của một số mặt hàng nông sản thấp. Trong khi đó, giá cả vật tư nông nghiệp (phân bón) tăng cao, người trồng lãi ít, thậm chí không lãi và đôi lúc ùn ứ nông sản.

Nông dân Nguyễn Văn Đông (ngụ ấp Long Thượng, xã Kiến An) chia sẻ: “Tôi có 6 công đất trồng ngò gai, 4 công đất trồng bắp non. Chưa bao giờ phải chịu cảnh ế ẩm như năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh. Hiện, tôi còn vựa lại gần 2 tấn hột ngò gai giống. Nếu như trước đây được giá 350.000 đồng/kg thì nay bán 100.000 đồng/kg cũng không có người mua; 6 công ngò ngoài ruộng chưa thu hoạch. Những năm trước, cứ quay vòng 3 vụ ngò gai/năm. Như vậy, 1 công ngò gai bán được 35 triệu đồng/vụ, sau khi trừ tất cả khoản chi phí còn lời từ 13-15 triệu đồng. Năm nay, tôi lời chưa được 6 triệu đồng. Cả nhà chỉ nhờ vào 4 công bắp non (4 vụ/năm), 1 công thu được hơn 4 triệu đồng, trừ chi phí lời 2 triệu đồng. Giờ đây, nông dân chỉ trông chờ vào vụ Tết”.

Nông dân chuẩn bị vụ rau, màu Tết

Ông Trần Văn Thêm (ngụ cùng ấp) chia sẻ: “Nhà không ruộng đất, tôi thuê 4 công đất với giá 3 triệu đồng/công/năm để trồng cải ngọt, mồng tơi, cải bẹ xanh. Năm nay, gần như trồng rau rồi… cho từ thiện, vì bán cũng lỗ. Mỗi năm, tôi trồng 4 vụ rau, năm ngoái 1 công bỏ chí phí lời hơn 3 triệu đồng/vụ, còn năm nay thua lỗ. Cứ mỗi vụ (trồng 1 tháng 20 ngày) thu hoạch từ 1,5-2 tấn, lúc được giá 10.000 đồng/kg, lúc ế ẩm không bạn hàng đến mua”.

Ông Hồ Văn Lân (ngụ xã Kiến An) có 5 công đất chuyên trồng màu cũng chưa mặn mà với vụ Tết, bởi còn dư âm đợt dịch vừa qua. Ông Lân cho biết: “Có lúc 1 công bắp trắng trồng vất vả, tôi bán có 1 triệu đồng, chỉ thu lại được tiền hạt giống. Tôi vừa bỏ 2 công ngò gai không thu hoạch, lỗ 15 triệu đồng. Chuẩn bị rau màu Tết cũng chỉ sản xuất cầm chừng”. 

Cần gỡ khó cho nông dân

Cái khó nhất của nông dân giờ không chỉ ngán ngại giá cả, thị trường tiêu thụ khó khăn do dịch bệnh, mà là giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao. “Giá cả phân bón leo thang, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi kiến nghị chính quyền các cấp cần có giải pháp hữu hiệu giúp ổn định giá cả, để người dân an tâm sản xuất có lãi, ổn định đời sống. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp không thực hiện niêm yết giá, tăng giá không đúng quy định đối với cơ sở mua bán vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp” - ông Lân bày tỏ.

Ông Trần Văn Thêm chia sẻ thêm: “Giá 1 bao phân urê trước đây 350.000 đồng, nay hơn 950.000 đồng. Đó là mua giá sỉ, còn giá lẻ hơn 1 triệu đồng. Dịch bệnh làm ăn đã thất thu, còn gặp giá phân bón tăng cao. Ngành chức năng cần tìm đầu ra, giải pháp, cũng như tiếp tục kiến nghị với Trung ương để ổn định giá cả vật tư đầu vào, giúp người nông dân an tâm với công việc đồng áng và sản xuất có lãi”.

Trồng rau màu vốn khó khăn do phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, địa phương và ngành chức năng cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho bà con nông dân. Không chỉ là xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm, mà còn quan tâm giá vật tư nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất rau, màu theo hướng an toàn, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, để tăng giá trị kinh tế, đa dạng thị trường vào kênh phân phối hiện đại, để bài toán sản xuất - tiêu thụ được mùa, được giá bền vững hơn.

Ngoài 2 mặt hàng chủ lực (cây lúa và cá tra xuất khẩu), An Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL về lượng rau, màu cung ứng cho thị trường. Với hệ thống đê bao khép kín, từ lâu huyện cù lao Chợ Mới đã phát huy rất tốt lợi thế cồn bãi và hệ thống đê bao khép kín vững chắc để phát triển rau, màu quanh năm. Năm 2021, diện tích rau, màu toàn huyện chiếm 23.214ha, bằng 106% kế hoạch năm.

HẠNH CHÂU