Nông dân huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp hội tổ chức trên 6.000 cuộc tuyên truyền, thu hút trên 165.000 lượt hội viên, nông dân tham dự. “Công tác tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chính trị của cán bộ, hội viên, nông dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM, đô thị văn minh. Từ đó, tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị nông thôn, góp phần xây dựng NTM nâng cao ở huyện” - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thoại Sơn Nguyễn Đình Chưởng cho hay.
Đến nay, 14.462 hộ hội viên, nông dân đạt chuẩn gia đình văn hóa (tỷ lệ 87,2% ). Ngoài ra, các cấp hội vận động được 20,3 tỷ đồng, trên 101.740 ngày công lao động để cất mới 48 cây cầu, sửa chữa 26 cây cầu; thực hiện mô hình camera an ninh (xã Thoại Giang), mô hình đèn năng lượng (xã Tây Phú), mô hình thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt (xã Định Thành, Vĩnh Khánh), mô hình thu gom bao bì, vỏ, chai thuốc bảo vệ thực vật (xã Tây Phú, Vĩnh Chánh). Đồng thời, nâng cấp lộ nông thôn dài hơn 32km; nạo vét 72km kênh mương phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Ngoài ra, hội còn vận động nông dân tham gia tốt công tác xã hội. Từ đó, 19.015 phần quà (trị giá 4,8 tỷ đồng) được huy động, gửi hỗ trợ 25.115 lượt nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; 100 suất học bổng (100 triệu đồng) trao tặng cho con em hội viên, nông dân vượt khó học giỏi. Các cấp hội tích cực tham gia cùng ban, ngành, đoàn thể vận động quỹ trên 1 tỷ đồng; cất mới và sửa chữa 80 căn nhà (trên 2 tỷ đồng) cho hội viên, nông dân nghèo.
Quá trình vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hội nông dân các cấp phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu vay vốn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho hội viên, nông dân. Hiện, địa phương duy trì 27 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” (310 thành viên); “Nông dân với an toàn giao thông” (93 thành viên); “Nông dân giỏi” (290 thành viên). Nông dân được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, ứng dụng các chương trình khuyến nông, bảo vệ thực vật, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, làm ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được thực hiện hiệu quả. Điển hình như Hội Nông dân xã Bình Thành. “Địa phương thành lập tổ hợp tác trồng rau màu, gồm 13 thành viên (diện tích 5ha), số vốn ban đầu 400 triệu đồng. Hơn 2 năm hoạt động, 10 hộ thành viên được tiếp cận vốn vay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thoại Sơn, khoảng 530 triệu đồng. Hội Nông dân xã Bình Thành phối hợp Hội Nông dân huyện Thoại Sơn giới thiệu 12 hộ tiếp cận Quỹ Hỗ trợ nông dân, tổng số tiền 150 triệu đồng, góp phần giải quyết khó khăn ban đầu trong việc trồng và thu hoạch rau màu” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành Lê Văn Hải cho biết.
Với mục tiêu hỗ trợ hội viên, nông dân nâng cao giá trị, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân huyện phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn mô hình tiềm năng, như: Thử nghiệm trồng mãng cầu (na) hạt lép theo hướng VietGAP điều khiển từ smartphone (điện thoại thông minh) ở xã Bình Thành (172 triệu đồng); ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến sản phẩm trà ở xã Định Thành (200 triệu đồng); nuôi lươn thương phẩm trong nhà tuần hoàn và thay nước tự động tại xã An Bình (200 triệu đồng)…
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Thoại Sơn tiếp tục đẩy mạnh vận động hội viên, nông dân xây dựng NTM nâng cao với nhiều hoạt động thiết thực. Đó là tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cách thức tổ chức phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch xây dựng NTM nâng cao.
PHƯƠNG LAN