Nữ dân quân trên núi Cấm

08/03/2021 - 06:00

 - Theo quan điểm của không ít người, phụ nữ nên chọn công việc văn phòng để đỡ vất vả. Nhưng với chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (sinh năm 1989, dân quân thường trực Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang), được làm công việc mình yêu thích thì vất vả cỡ nào cũng xứng đáng. Bởi thế, 3 năm nay, bóng hồng nhỏ bé ấy ngày ngày chạy lên chạy xuống núi Cấm để làm nhiệm vụ, bằng niềm vui trong tim và nụ cười xinh xắn trên môi.

Nữ dân quân Nguyễn Thị Ngọc Hạnh

Sau khi học trung cấp tin học văn phòng, Hạnh đi làm cho cơ sở tư nhân gần nhà. Khi một nữ dân quân của xã chuyển công tác, chị được động viên tham gia dân quân, đảm nhận nhiệm vụ văn thư của Ban CHQS xã. Lúc ấy, chị vừa mới sinh con. Nhà chị ở dưới chân núi Cấm, cách trụ sở đơn vị 8km đường núi. Gia đình không ngăn cản, nhưng không thật sự ủng hộ, vì nhiều khó khăn thấy rõ trước mắt.

“Tôi lường trước sẽ gặp nhiều bất tiện nếu tham gia công việc này. Tuy nhiên, được trở thành bộ đội là ước mơ từ nhỏ của tôi. Nếu có điều kiện nhập ngũ thì tôi đã tham gia trước đó rồi. Vì vậy, tôi quyết định trở thành dân quân tự vệ mà không hề đắn đo” - chị Hạnh mở đầu cuộc trò chuyện với tôi như thế.

Ngày đầu tiên đi làm, vóc dáng của Hạnh lọt thỏm trong bộ trang phục dân quân. Người xung quanh ngạc nhiên: “Sao không làm việc gì nhàn hạ một chút, lại chọn nghề này?”. Họ thắc mắc cũng có phần đúng. Kể từ ngày khoác lên bộ trang phục mới, Hạnh vất vả hơn trước rất nhiều. Ngày nào ít thì chạy đi chạy về 16km, nhiều thì gấp đôi, gấp ba quãng đường ấy. Khó ở chỗ, chị phải di chuyển trên các con đường lớn nhỏ, ngoằn ngoèo trên núi, nếu không “cứng tay” sẽ không thể điều khiển phương tiện được.

Sau giờ làm, chị phải vội chạy xuống núi, về nhà chăm sóc con nhỏ. Trong mắt người khác, chị đang tự “mua dây buộc mình”. Nhưng Hạnh khẳng định, bản thân chị thích được năng động như thế. Cực thì cực, mà vui. Lúc đầu, chị gặp một chút áp lực, khi không biết bắt đầu từ đâu. Về sau, được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chỉ huy đơn vị, các anh đồng nghiệp, tự nghiên cứu học hỏi thêm, Hạnh tự tin hơn rất nhiều.

Hạnh không phải là tuýp người hoạt ngôn, khó diễn tả được suy nghĩ, cảm xúc của mình cho tròn trịa. Nhưng khi nhắc đến công việc của mình, chị trao đổi rất thoải mái: “Tôi nghĩ mình đủ nhiệt huyết, cộng với yêu thích nghề này, nên tôi quyết tâm tham gia dân quân lâu dài. Đó cũng là cách đóng góp công sức nhỏ của bản thân cho xã hội, cho đất nước. Từ công việc này, tôi học hỏi được nhiều điều: có trách nhiệm với công việc, với chính mình hơn. Chuyện gì làm được, tôi sẽ tranh thủ làm thật tốt, thay vì kéo dài thời gian như hồi trước”. Cảm nhận được sự thay đổi và năng lượng tích cực của Hạnh, gia đình đã yên tâm hơn, ủng hộ nhiều hơn, sẵn sàng trở thành “hậu phương” vững chắc của chị, để chị yên tâm công tác.

Ít ai biết, cô gái cao hơn 1m50 này lại có nghề tay trái rất cừ khôi: chạy xe “Honda đầu” đưa rước khách ở khu du lịch. Chị là một thành viên của Nghiệp đoàn xe “Honda đầu” núi Cấm mấy năm nay. Tranh thủ ngoài giờ làm việc, ngày lễ, cuối tuần, chị chạy xe để cải thiện đời sống kinh tế gia đình, đồng thời cũng là một cách tuần tra kiểm soát, nắm tình hình an ninh trật tự địa bàn. Có hôm đang đưa rước khách, phát hiện đối tượng xấu gây án, chị chủ động dừng lại tại hiện trường, chờ các lực lượng phối hợp đến giải quyết theo thẩm quyền.

Núi Cấm là khu du lịch tâm linh trọng điểm của huyện Tịnh Biên nói riêng, An Giang nói chung, thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng mỗi năm. Do đó, đảm bảo an ninh trật tự khu vực là nhiệm vụ rất nặng nề. Nhiệm vụ phối hợp tuần tra kiểm soát địa bàn được giao cho các đồng nghiệp nam, nên vai trò của Hạnh là đảm bảo quân số trực, lo hậu cần… Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cả chục dân quân của xã được cử ra bám chốt, bám biên giới. Hạnh ở lại đơn vị, cần mẫn làm tròn nhiệm vụ của mình.

Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã An Hảo Võ Duy Tân nhận xét: “Đồng chí Hạnh rất hòa đồng với anh em trong đơn vị, tích cực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Để tham gia được công việc này, phụ nữ phải chủ động thời gian nhiều hơn, yêu cầu về sức khỏe cao hơn, khi nhiệm vụ có thể được giao bất cứ lúc nào, không chỉ trong giờ hành chính. Vì vậy, đơn vị đánh giá cao quá trình công tác của đồng chí Hạnh, sẽ tạo điều kiện để đồng chí học tập, rèn luyện, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Với những nỗ lực của bản thân, năm 2019 và 2020, đồng chí được huyện khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, là một trong những nữ dân quân có thành tích nổi bật của cả huyện”.

Cuộc trao đổi giữa tôi và Hạnh thường xuyên bị ngắt quãng, vì chị đảm nhận chuẩn bị hậu cần cho công tác tuyển quân năm 2021, phải nghe điện thoại liên tục, lên xuống núi nhiều lần để chở đồ, chở người. Nhưng gương mặt Hạnh luôn sáng rỡ, tươi vui, tràn đầy sức sống. Mái tóc dài thướt tha, làn da trắng trẻo, nổi bật trong bộ trang phục xanh dân quân, càng tôn thêm nét nữ tính của chị.

Chị Hạnh kể, chị thích trang phục này đến mức hầu như mặc suốt, mỗi lần mặc đều cảm thấy rất tự hào. Khi chở tôi xuống chân núi, nhắc về ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), chị gửi gắm: “Tôi muốn ngày càng nhiều chị em phụ nữ có điều kiện tham gia lực lượng dân quân tự vệ giống mình. Nếu đủ quyết tâm, nhiệt huyết, những gì nam giới làm được, nữ giới cũng sẽ làm được!”.

GIA KHÁNH