Ô môi hương vị khó quên

01/07/2024 - 18:16

Cây ô môi không chỉ có hoa đẹp mà những “chùm” trái ô môi non cuốn hút nhiều người. Ô môi còn là một trong những món quà thời tuổi thơ của nhiều người dân sông nước miền Tây.

Với vị ngọt như mật, pha lẫn vị chát cùng với mùi nồng nhẹ tạo nên một hương vị đặc trưng riêng biệt, khiến bao người phải nhớ mãi khi một lần nếm thử trái ô môi.

Trước đây, cây ô môi thường được người dân trồng ven những con đường đê, bờ sông hay gần bên nhà để tạo tán, giữ đất khỏi sạt lở. Trái ô môi non được hình thành từ những chùm hoa có màu sắc rất quyến rũ, hoa nở thành từng chùm với màu hồng phấn tuyệt đẹp. Sau khi kết trái thì hoa rụng dần chỉ còn lại ít trái trên cành cho đến khi chín.

Trái có vỏ cứng hơi sần, hình dáng dài, cong cong, khi chín từ màu xanh sẽ chuyển sang màu đen, đen từ vỏ đến thịt bên trong. Mỗi trái ô môi dài 50 - 60cm, khi ăn, phải chặt ra từng khúc, lấy dao róc vỏ bên ngoài rồi dùng ngón tay cầm hai sống đẩy tới, đẩy lui vài bận là có thể lấy từng mắc thịt ô môi ra dễ dàng. Mỗi mắc màu đen mỏng đều nhau và được phủ bởi lớp mật ở giữa có một hạt dẹp, màu vàng nhạt. Thịt ô môi có vị ngọt, hơi nồng, có mùi thơm.

Cô Bảy Hết (63 tuổi, ngụ ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, người gắn bó với hàng cây ô môi tại Bến phà Ô Môi, xã Mỹ Hòa Hưng) mấy chục năm qua, chia sẻ: “Những cây ô môi này trồng được khoảng 30 - 40 năm. Lúc trước, khu vực này có 6 cây rất lớn, nhưng vì gần sông nên lâu ngày bị sạt lở. Mỗi năm khi đến mùa hoa nở, ai nấy cũng thích vì màu sắc rất đẹp. Từ khi kết trái đến lúc chín gần 1 năm nhưng không bị ảnh hưởng gì, trái phát triển tự nhiên nên rất sạch”. 

Cây ô môi cao khoảng 7 - 10m lá, trái và vỏ cây được sử dụng để tạo ra một số vị thuốc chữa bệnh, bồi bổ cơ thể. Trong y học cổ truyền, ô môi là vị thuốc nam quý có nhiều công dụng điều trị và chữa bệnh hiệu quả. Thịt của trái ô môi xếp thành từng múi tròn mỏng đều nhau và được phủ bởi lớp mật màu đen, có vị ngọt ngọt, nồng nồng, hăng hăng rất lạ. Mỗi múi có một hạt ở một bên mặt dính kèm. Hạt có thể ngâm nước cho vỏ mềm rồi lột vỏ nấu chè.

Cô Bảy Hết cho biết thêm: “Ô môi hái ăn liền thì không ngon bằng khi mang phơi nắng, để lâu ngày ăn càng ngon, thịt thơm, tươm mật ngọt và ít nồng; hay đem ngâm rượu uống rất thơm ngon và mùi vị sẽ bớt gắt. Nếu như người biết ăn thì sẽ rất ngon, còn ngược lại sẽ cảm thấy khó chịu. Tụi nhỏ bây giờ hầu như ít biết, vì cây ô môi rất hiếm người trồng…”.

Đối với người dân miền Tây, ngoài các loại cây cho trái tự nhiên, như: Phượng, gáo, nhãn lồng, cơm nguội… ô môi là món quà đặc sản, lưu giữ biết bao kỷ niệm khó quên của những người thế hệ 7X, 8X. Khi nhìn lại những trái ô môi, trong ký ức gợi nhớ về thời thơ ấu, sau khi kết thúc những buổi học vào mùa nước nổi là bọn trẻ thường tranh thủ bơi xuồng ra đồng hái, hay sau những cơn mưa chạy ra lượm từng trái ô môi chín rụng mang về.

Ngày nay, ô môi không còn nhiều, nhất là ở thành thị, nên thế hệ trẻ gần như không mường tượng. Chỉ trừ khi được nhắc đến từ những người dân quê mộc mạc mới biết. Cứ vào mùa ô môi chín, sang cù lao Mỹ Hòa Hưng tại Bến phà Ô Môi, ngước nhìn những trái ô môi treo lủng lẳng trên cây hay dạo quanh những con đường nông thôn của xã Mỹ Hòa Hưng, nhìn thấy hình ảnh cây ô môi bên đường tuy mộc mạc mà đậm đà tình quê... bất chợt kỷ niệm thời thơ ấu hiện về.

NGUYỄN HƯNG