Nằm cách thành phố Hà Tiên theo đường biển chưa đầy 30km, tiếp giáp với nước bạn Campuchia và cách huyện đảo Phú Quốc khoảng 40km, xã đảo Tiên Hải có 16 đảo nổi và hai đảo chìm (với tổng diện tích tự nhiên hơn 251ha) nằm trong quần đảo "Hải Tặc". Người dân nơi đây quen gọi các hòn đảo với những cái tên độc đáo như: Hòn Tre lớn (tên khác là Hòn Đốc), Hòn Tre nhỏ, Tre Vinh, Đồi Mồi lớn, Đồi Mồi nhỏ, Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Ụ, Bánh Tét, Bánh Ít, Hòn Ruồi, Bánh Lái, Kiến Vàng, Bánh Quy, Bánh Tổ, Hòn Phụ Tử, Đá Nổi 1 và Đá Nổi 2.
Xã đảo Tiên Hải hiện có 480 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở đảo Hòn Tre lớn, Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ. Trong đó Hòn Tre lớn là đảo lớn nhất - Trung tâm hành chính của xã. Người dân trên quần đảo chủ yếu sinh sống nhờ dựa vào khai thác, đánh bắt và nuôi trồng hải sản; còn một số ít hộ dân kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ.
Mất gần một giờ đồng hồ ngồi trên tàu cao tốc từ thành phố Hà Tiên, chúng tôi đặt chân lên quần đảo "Hải Tặc". Trên biển là bạt ngàn lồng bè nuôi hải sản của ngư dân trên đảo. Ở đây, có bãi cát mịn trải dài uốn lượn với làn nước biển trong xanh dưới khoảng không gian thiên nhiên hoang sơ hiếm thấy.
Quần đảo "Hải Tặc" là một điểm đến lạ với du khách ngay từ cái tên. Cái tên "quần đảo Hải Tặc" mà dân gian vẫn gọi xuất phát từ những bí ẩn liên quan nạn cướp biển (hải tặc). Khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, cướp biển đồn trú ẩn nấp, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại khu vực vịnh Hà Tiên-Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan (tuyến hàng hải quan trọng từ Trung Hoa sang các nước phương Tây). Đến những năm đầu của thế kỷ 20, nạn cướp biển vẫn hoành hành ở vùng biển này.
Cái tên "quần đảo Hải Tặc" mà dân gian vẫn gọi xuất phát từ những bí ẩn liên quan nạn cướp biển (hải tặc). Khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, cướp biển đồn trú ẩn nấp, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại khu vực vịnh Hà Tiên-Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan (tuyến hàng hải quan trọng từ Trung Hoa sang các nước phương Tây). Đến những năm đầu của thế kỷ 20, nạn cướp biển vẫn hoành hành ở vùng biển này. |
Cuối những năm 1980, từng có người nước ngoài xâm nhập đảo với ý đồ truy tìm kho báu. Việc râm ran lan truyền về một tấm bản đồ cổ 300 năm chỉ dẫn đến kho báu trên đảo cùng một lượng không nhỏ những đồng tiền cổ được tìm thấy trên đảo khiến đảo "Hải Tặc" trở nên "đặc biệt kỳ bí" với du khách (!?).
Tuy không nổi tiếng như Phú Quốc và Nam Du, nhưng những năm gần đây quần đảo "Hải Tặc" được du khách yêu thích bởi khung cảnh hoang sơ hiếm thấy và những trải nghiệm khác lạ khi "ba cùng" với ngư dân bản địa. Một trong những điểm tham quan nổi tiếng tại đây là bia chủ quyền của Việt Nam được xây dựng năm 1958. Bia nằm trên bãi biển cát trắng duy nhất của đảo Hòn Tre lớn, ở phía tây nam cách cầu cảng chưa đầy 1km.
Sau khi tham quan bia chủ quyền, trải nghiệm ghi dấu ấn với du khách là thuê thuyền cùng ngư dân tới các đảo nhỏ hơn để ngắm san hô, câu cá hay lặn bắt nhum... Nhum biển (còn gọi là cầu gai) là đặc sản ở đây. Dùng một chiếc kẹp kim loại, lặn xuống độ sâu khoảng 3m là đã bắt được nhum. Nhum sau khi bắt sẽ được sàng mạnh cho gãy hết gai, cắt đôi để ăn sống, nướng mỡ hành hay nấu cháo.
Trên đảo Hòn Tre lớn chỉ có một con đường trục chính, một bên là núi non hùng vĩ, một bên là biển xanh nên du khách có thể thuê xe đạp chạy vòng quanh đảo mà không sợ bị lạc.
Trên đảo có bãi biển cát trắng trải dài mấy trăm mét, du khách có thể thoải mái tắm biển và chơi các trò chơi; hoặc tham gia lặn biển ngắm san hô gần bờ... Thậm chí có thể cùng ngư dân nơi đây đi câu mực, câu cá (vào ban đêm) và lặn biển bắt sò, ghẹ, ốc… để trải nghiệm những cảm giác mới lạ! Từ khoảng 5 năm nay, du khách từ đất liền tới đảo đông dần, tạo thêm nguồn thu nhập từ kinh doanh dịch vụ cho cư dân trên đảo, dù các dịch vụ du lịch vẫn chưa phát triển trên quần đảo này.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Hải, chị Lương Thảo Ly cho biết: Năm 2017, xã Tiên Hải được chính thức công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh (theo Quyết định số 2933/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh Kiên Giang). Thực hiện đề án "Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2014-2016", xã Tiên Hải đã thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng, tập trung tuyên truyền nội dung đề án đến từng hộ dân trên đảo nhằm tạo sự đồng thuận cao.
Xã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn đầu tư cơ sở vật chất làm du lịch cộng đồng như xây dựng, nâng cấp nhà nghỉ, ẩm thực, du thuyền, trang thiết bị...; tổ chức tập huấn phục vụ du lịch, du lịch cộng đồng có trách nhiệm, dịch vụ kinh doanh ăn uống, lưu trú nhà dân và đầu tư mở một số tuyến du lịch, đến nay các hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư, nâng cấp mở rộng các cơ sở dịch vụ ngày càng đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
Quần đảo "Hải Tặc" sở hữu nhiều bãi tắm đẹp, nhất là Bãi Bắc với bãi cát trắng trải dài; có bến tàu thủy được xây dựng từ thời Pháp thuộc; và cột mốc chủ quyền cùng với Dinh Bà, chùa Sơn Hòa, Thánh đường giáo họ Phan-xi-cô (trong khuôn viên Nhà thờ Phan-xi-cô Xa-vi-ê); các hòn đảo nhỏ bao quanh (như: Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Tre Vinh) với bờ cát trắng trải dài quyến rũ... Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, nước biển xanh trong và hiếm khi có bão. Hơn 100 bè nuôi hải sản trên biển của ngư dân làm nên khung cảnh ngoạn mục đặc trưng với du khách đến từ đất liền...
Theo chị Lương Thảo Ly, để phục vụ du khách đến đảo tham quan nghỉ dưỡng, người dân Tiên Hải đã hình thành 15 cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, mua sắm, giải khát; trong đó có sáu quán ăn kèm dịch vụ phòng trọ nghỉ qua đêm, tổng công suất phục vụ được 1.300 lượt khách/ngày. Bên cạnh đó, xã đảo có 12 cơ sở lưu trú (với 105 phòng, sức chứa từ 600-750 lượt khách/đêm).
Tuy nhiên, hiện số lượt du khách lưu trú đạt số lượng nhiều nhất chủ yếu rơi vào thời điểm các ngày lễ, Tết và dịp cuối tuần. Đầu năm nay, xã Tiên Hải đã đầu tư thêm ba xe ô-tô điện làm phương tiện đưa du khách tham quan quanh đảo.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Hải Phan Hồng Phúc cho biết: Không chỉ biết làm giàu từ biển, vài năm gần đây, ngư dân trên quần đảo "Hải Tặc" đã dần quen với nghề làm dịch vụ du lịch. Quần đảo cũng dần được du khách biết đến như một điểm khám phá mới trên bản đồ du lịch Việt Nam. Người dân đảo vốn chất phác, thân thiện, luôn coi du khách như người thân đi xa trở về nhà.
Không chỉ biết làm giàu từ biển, vài năm gần đây, ngư dân trên quần đảo "Hải Tặc" đã dần quen với nghề làm dịch vụ du lịch. Quần đảo cũng dần được du khách biết đến như một điểm khám phá mới trên bản đồ du lịch Việt Nam. Người dân đảo vốn chất phác, thân thiện, luôn coi du khách như người thân đi xa trở về nhà.
Du khách được tiếp đón chu đáo; muốn tham quan bè cá, đi tàu thuyền quanh đảo lặn mò cua, bắt ốc thì họ tận tình đưa đi, hướng dẫn chu đáo như với người thân, nên du khách rất thích. Tiếng lành đồn xa nên ngày càng có đông du khách tìm đến khám phá xã đảo. Người dân trên đảo cũng vui vì có thêm nhiều việc làm và thu nhập.
Một trong những ghi nhận của du khách khi đặt chân lên quần đảo "Hải Tặc" là ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây. Rất hiếm thấy hành vi xả rác bừa bãi trên đảo. Mỗi cư dân trên đảo đều có ý thức rất cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Đi dạo quanh đảo, sẽ thường xuyên gặp cảnh cư dân nơi đây, không phân biệt người lớn hay trẻ nhỏ, đều chủ động nhặt rác thải rơi vãi trên đường bỏ vào thùng rác. Và Tiên Hải cũng là một trong số rất ít địa phương cấp xã ở Kiên Giang có nhà máy xử lý rác thải hiện đại.
Cuối tháng 4 vừa qua, chính quyền xã đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Newstar Tourist (Hà Nội) để cùng nhau phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch địa phương trong hai năm tới. Công ty Newstar Tourist sẽ xây dựng nội dung các sản phẩm mới, sản phẩm du lịch đặc thù, nhằm làm phong phú hệ sinh thái sản phẩm địa phương.
Kết nối các doanh nghiệp trong ngành du lịch: lữ hành, lưu trú, vận chuyển... nhằm phát triển dịch vụ, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch của xã Tiên Hải. Phối hợp quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, con người và văn hóa Tiên Hải trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, fanpage và mạng xã hội...
Với sự hợp tác cùng Công ty TNHH Newstar Tourist, hy vọng mùa cao điểm du lịch năm nay, quần đảo "Hải Tặc" sẽ là điểm đến hấp dẫn chào đón những du khách gần xa đến khám phá, thưởng ngoạn những cảnh đẹp hoang sơ của biển đảo nơi cực nam Tổ quốc.