Theo đệ nhất danh cầm Bảy Bá - Viễn Châu và soạn giả Nguyễn Phương, thị trường băng dĩa một thời đã khẳng định tên tuổi, vinh danh nhiều nghệ sĩ mà đi đầu là nghệ sĩ Tấn Tài, được soạn giả, công chúng mộ điệu và báo chí kịch trường thời đó vinh danh là “Hoàng đế dĩa nhựa”. Ông Lê Tấn Tài (sinh năm 1938, tại xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn), xuất thân từ ông giáo làng, trong một gia đình không có ai theo nghề ca hát.
Định mệnh sắp đặt, năm 21 tuổi ông bỏ nghề giáo, học ca cổ với thầy Hai Tỉnh và Út Thôi, sau trốn theo gánh hát, mặc cho người mẹ (bà Nguyễn Thị Đang) ngăn cản. Đầu năm 1959, đoàn cải lương Bướm Vàng của ông bầu Văn Thà đến xã Vĩnh Trạch hát. Dịp này, Tấn Tài lên ca, tức khắc được khán giả khen thưởng, mời lên hát nhiều lần và đánh giá “hát còn hay hơn anh kép chánh của đoàn”.
Ông có giọng ca truyền cảm, làn hơi độc đáo, khi xuống vọng cổ vuốt nhẹ chữ áp cuối nhẹ nhàng không ai làm được, hát hay hơn được. Nhờ đó, giọng ca đặc biệt của Tấn Tài được mến mộ, tiếng hát vang xa và bước lên hàng kép chính. Năm 1961, ông bầu Thành đoàn hát Song Kiều ký contrat 100.000 đồng (tiền lương hát độc quyền cho một suất hát, một gánh hát hay cho một hãng dĩa) với Tấn Tài để ông về hát cho đoàn.
Danh hài Tấn Beo nhớ lại: “Má tôi kể, thời đó một ngày ba tôi thu 5-6 bài, mỗi bài giá 12.000 đồng, tương đương một lượng vàng. Mỗi lần thu âm về, ông giao tiền cho má tôi mua vàng để dành. Chính nhờ số tiền này, giúp ba má tôi lập gánh hát, sắm âm thanh, cảnh trí, đồ hát để lập đoàn hát Tấn Tài - Như Ngọc”.
Năm 1962, Tấn Tài hát với đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản và nghệ sĩ Ba Vân. Năm 1963, ông cùng 5 nghệ sĩ (Diệp Lang, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Kim Loan (Mộng Tuyền) và Trương Ánh Loan) đoạt Huy chương vàng Giải Thanh Tâm với vai Điệp Nhất Lang trong vở “Cát Dung Phương Tử”. Dịp này, cha mẹ ông Tấn Tài (ông Lê Thành Tâm) và cha mẹ vợ được mời ngồi hàng ghế danh dự. Một số bà con ở xã Vĩnh Trạch và đặc biệt hai ông thầy dạy ca Hai Tỉnh và Út Thôi cũng đến xem đêm hát.
Sau ngày được giải, khi soạn giả giao bài ca cho các hãng dĩa đều yêu cầu phải có Tấn Tài - Phượng Liên ca, đặc biệt không thể thiếu Tấn Tài. Thập niên 60-70 của thế kỷ XX, cặp đôi này thu âm trên 400 dĩa vọng cổ, tuồng cải lương cùng hàng ngàn bài ca tân cổ, cho đến nay người nghe không chán. Ông và nghệ sĩ Phượng Liên được khán giả yêu thích qua các vở “Hai nụ cười xuân” và “Cô gái Đồ Long”.
Trong hàng ngàn bài ca cổ thu âm chung, nghệ sĩ Tấn Tài - Phượng Liên hút hồn người nghe qua các bài, như: “Hãy quên nhau”, “Áo trắng ngày xưa”, “Nhẫn cỏ trao em”... Khi đơn ca các bài: “Bên rặng ô môi”, “Tâm sự Mộng Cầm”, “Hàn Mạc Tử”, “Kinh Kha”, “Thương miền đất đỏ”, “Qua đò Mỹ Thuận”, “Dưới rặng ô môi”, “Nắng chiều quê ngoại”… ông làm người nghe mê mẩn.
Năm 1964, nghệ sĩ Tấn Tài và Bạch Tuyết là đôi diễn viên chính của đoàn hát Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân. Nơi đây, nghệ sĩ Tấn Tài có những vai hát để đời trong các tuồng: “Anh hùng xạ điêu”, “Tiếng vọng Ba Đèo”, “Võ Tòng sát tẩu”, “Sương mù trên non cao”, “Mùa thu lá bay”, “An Lộc Sơn”… Năm 1966-1969, Tấn Tài là diễn viên chính đoàn Kim Chung 5, hát chung với Mỹ Châu, rồi Lệ Thủy với các tuồng: “Băng Tuyền nữ chúa”, “Tâm sự loài chim biển”, “Đào hoa khách”, “Tuyệt tình nương”, “Khi rừng mới sang thu”…
Cũng trong năm 1969, nghệ sĩ Tấn Tài lập gánh hát Tân Thủ Đô - Tấn Tài. Sau năm 1975, nghệ sĩ Tấn Tài giao gánh hát lại cho tỉnh Hậu Giang, ông mở quán ca nhạc, rồi đi hát cho đoàn hát Song Hậu. Thời gian này, ông đi hát khi có yêu cầu của khách.
Nghệ sĩ Tấn Tài mất tháng 1/2011, nữ nghệ sĩ Như Ngọc (vợ ông) mất năm 2002. Vợ chồng ông có 2 người con trai: Lê Tấn Danh (tức Tấn Beo) và Lê Tấn Phúc (tức Tấn Bo). Song, họ không phải là danh ca cải lương, tân cổ giao duyên như cha, mà chọn nghề “chọc cười thiên hạ”.
NGUYỄN RẠNG