Theo thông tin người dân cung cấp, để đảm bảo cho việc lưu thông đường thủy thuận lợi, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho tất cả bà con nông dân, đồng thời thực hiện chủ trương ở địa phương, người dân được vận động tháo dỡ, di dời nhà, trại, quán và nghiêm cấm xây dựng cất mới dưới lòng sông, kênh, rạch.
Tuy nhiên, hiện nay tại khu vực tổ 9 (ấp Phú Đông, xã Phú Xuân), có 1 hộ dân kinh doanh vật liệu xây dựng ngang nhiên xây dựng nhà kiên cố dưới lòng sông, kênh, rạch. Tương tự, tại khu vực tổ 3 (ấp Phú Hạ, xã Phú Xuân), 1 hộ dân xây dựng nhà trong phạm vi đất nhà nước quản lý (kênh đê).
“Theo chủ trương của UBND xã, từ năm 2018, các hộ dân trên toàn bộ phạm vi tuyến đường này phải tháo dỡ nhà, mái che. Vì lợi ích chung nên bà con đồng tình hưởng ứng. Thế nhưng, 2 hộ trên lại tự ý cất nhà mới hoàn toàn và cất kiên cố, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, khiến người dân vô cùng bức xúc. Trong khi đó, những hộ khác chỉ vừa khởi công xây cất thì đã bị lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ ngay lập tức. Rất mong các cơ quan chủ quản xem xét giải quyết thấu lý đạt tình, đem lại công bằng cho các hộ dân” - người cung cấp thông tin đề nghị.
Ông Đặng Thành Công (1 trong 2 hộ dân bị phản ánh) cho biết: “Tôi kinh doanh vật liệu xây dựng, được địa phương tạo điều kiện, nhằm cải thiện cuộc sống và đóng góp cho địa phương ngày càng phát triển. Tôi xây bệ để vận chuyển xi-măng, gạch từ ghe lên, sau đó cho xe nâng lên đưa vào kho, áp dụng theo công nghệ mới, đóng kiện lần 40 bao xi-măng (tương đương 2 tấn) nhằm giảm áp lực nguồn nhân công (do hiện tại khó tìm nhân công do họ đi làm nơi xa), chứ không ngoài mục đích gì. Tôi cam kết với địa phương: khi nào địa phương cần sử dụng, tôi sẽ tháo dỡ trả lại hiện trạng. Vừa qua, họ yêu cầu ngưng thi công, tôi đã thực hiện, dù việc này gây thiệt hại cho tôi rất nhiều. Tôi mong các ngành chức năng quan tâm xem xét giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn thuận lợi”.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Phú Xuân cho biết, đối với trường hợp của ông Đặng Thành Công (chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng Thành Công), vừa qua ông có xin địa phương cho xây dựng bờ kè để đặt trụ sắt làm cần cẩu để cẩu rút hàng hóa xi-măng, gạch lên bờ đưa vào kho theo quy trình công nghệ mới. Tuy nhiên, việc làm này chưa được sự đồng thuận của cấp có thẩm quyền và trái với quy định của nhà nước (quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14-11-2018 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 5-8-2020 của UBND huyện Phú Tân về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện).
Do vậy, ngày 27-3-2020, UBND xã đã lập biên bản đình chỉ thi công xây dựng bờ kè nói trên đối với ông Công, đồng thời yêu cầu ông Công khắc phục hiện trạng xây dựng, thời gian thực hiện đến hết ngày 3-4-2020.Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế, hộ ông Công chưa khắc phục hiện trạng xong và còn tiếp tục tổ chức thi công, phát sinh thêm hiện trạng vi phạm như: đổ đà, lót vỉ sắt đổ bê-tông. Ngày 28-4-2020, UBND xã tiếp tục lập biên bản lần 2 ngừng thi công và khắc phục tự tháo dỡ các vật kiến trúc vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu. Nếu hộ ông Công vẫn cố tình không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, mọi thiệt hại hay khiếu nại về sau xã không xem xét giải quyết. Về phía ông Công cũng thống nhất và cam kết ngưng thi công.
Riêng đối với trường hợp của ông Lê Văn Rẫy (cư ngụ ấp Vàm Nao, xã Tân Trung) làm đất nông nghiệp ở ấp Phú Hạ, xã Phú Xuân (khu vực ngay ngã tư kênh đê). Trước đây, năm 2008, thực hiện công trình làm đê bao 3 vụ múc đất lên làm đường đê, địa phương vận động ông Rẫy đóng góp. Lúc bấy giờ, ông Rẫy đồng ý, nhưng có làm đơn xin chừa lại một phần nền đất ngay góc để cất nhà trông coi lúa (trước đó có cất trại nhỏ) sau khi công trình bao đê xong.
Đồng thời, ông Rẫy cam kết: sau khi cất xong sẽ múc mương tiêu sau hậu đúng quy định theo sơ đồ ông đính kèm (có đơn tường trình ngày 7-3-2008 và được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND xã thời điểm đó). Đến tháng 6-2019, có nhu cầu canh tác thêm rẫy nên ông cất nhà mới khang trang, chắc chắn hơn bằng khung sắt, nống đá, mái và vách sử dụng tole, để giữ vật tư, phương tiện máy móc và nghỉ ngơi tiện việc chăm sóc hoa màu.
Khi phát hiện vụ việc, địa phương đã lập biên bản và mời ông Rẫy làm việc. Ông đã trình bày như trên, đồng thời cam kết: nếu nhà nước có thực hiện công trình nạo vét mương tiêu hay nâng cấp mở rộng đường đê, ông sẽ tháo dỡ di dời, trả lại hiện trạng.
Thông qua phản ánh của người dân đến Báo An Giang, địa phương khẳng định sẽ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện này và xử lý đúng quy định, chứ không bao che hay thiên vị cho vi phạm xây dựng của các cá nhân.
Bài, ảnh: K.N