Các hộ khiếu nại trình bày sự việc với Báo An Giang
Trình bày sự việc đến Báo An Giang, các hộ dân cho biết, họ cùng tộc họ, bà con gần gũi với anh em ông Thiện và ông Thể. Nguồn gốc đất là của ông cố để lại cho 6 người con, có 3 ông, bà thụ hưởng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Đài (ông nội ông Nguyễn Ngọc Khánh), bà Nguyễn Thị Gấm (bà nội bà Lê Thị Kiều Giang, Lê Thị Kiều Thu), ông Nguyễn Văn Gương (ông nội ông Nguyễn Minh Thiện, ông Nguyễn Văn Thể).
Trước năm 1975, đất các hộ sử dụng ổn định, có giấy tờ đàng hoàng. Với hộ ông Nguyễn Ngọc Khánh (sinh năm 1962), bà Nguyễn Thị Cẩm Chi (em ông Khánh) cho biết, sau ngày ông bà nội chết, cha mẹ đương sự (ông Nguyễn Văn Liêm, bà Trần Thị Ảo) sử dụng phần đất dài 36m, ngang 19,77m từ bờ sông Hậu tiếp giáp với phần đất ông Thiện, ông Thể. Phần đất này là mương lạng được gia đình san lấp, tu bổ trồng cây ăn trái, cây lâu năm. Khi ông Liêm, bà Ảo chết để lại 2 phần đất hàng ngàn mét vuông, ông Nguyễn Ngọc Khánh sử dụng diện tích 230,9m2, chiều ngang dọc theo Quốc lộ (QL) 91 là 16,77m2; chiều dài từ mép sông Hậu vô là 35,21m2 (băng ngang qua QL 91). Khoảng năm 2004, nhà nước trưng dụng một phần đất bên kia QL 91 của ông Liêm để mở đường lộ giới. Phần còn lại tính từ mốc lộ giới hiện nay vào trong đến mốc ranh giữa đất của ông Liêm với đất của ông Thiện, ông Thể là 16,77m2 (chiều ngang dọc theo QL 91 là 16,77m2, chiều dài là 1m). “Từ khi nhà nước trưng dụng phần đất làm lộ giới, số đất dư còn lại anh em tôi trồng cây và cho thuê làm tiệm hớt tóc. Gia đình xin cấp quyền sử dụng đất, xác thực số đất nhưng địa phương không đồng ý. Đến đầu tháng 4-2020, ông Thiện, ông Thể tự chặt phá cây trồng và đuổi người thuê mặt bằng làm tiệm hớt tóc phải tháo dỡ tiệm đi nơi khác, đổ xi-măng san lấp mặt bằng và xây hàng rào kiên cố lấn chiếm lộ giới. Tôi báo chính quyền địa phương nhưng vẫn không xử lý” - bà Nguyễn Thị Cẩm Chi phản ứng.
Liên quan việc này, bà Lê Thị Kiều Giang và bà Lê Thị Kiều Thu cho biết, trước đây người cha (ông Lê Văn Đờn) hưởng phần đất của bà nội (bà Nguyễn Thị Gấm) để lại, có vị trí gần giống với gia đình ông Khánh. Phần chiều ngang dọc theo QL 91 là 10m, chiều dài 10m, mép từ sông Hậu tính lên dài khoảng 35m (băng ngang qua QL 91). Năm 2005, gia đình bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) diện tích 327,9m2. Từ đó đến nay, gia đình thường tu bổ, san lấp mặt bằng chủ yếu phơi lúa, củi, quần áo và trồng một số cây. Ngày 26-4, ông Thiện, ông Thể yêu cầu 2 bà dời củi phơi để xây hàng rào không được, khiếu nại đến Ban Nhân dân khóm và Công an địa phương. Sau đó, lực lượng đến kêu ông Thiện và ông Thể dẹp số củi qua bên kia đường, sử dụng mặt đường. “Chị em tôi ngăn cản và khiếu nại đến UBND phường Bình Đức, nhưng đến nay không giải quyết, không có văn bản trả lời” - chị em bà Kiều Giang, Kiều Thu cho biết.
Tương tự, vợ chồng ông Lê Văn Cưng, bà Thái Thị Lê (con bà Gấm) nói gia đình cũng thừa hưởng phần đất tương tự như gia đình ông Lê Văn Đờn. Dù phần đất không lớn nhưng có thể sinh lợi do liền kề QL. “Gia đình tôi yêu cầu nhà nước giải quyết cho giữ nguyên trạng như trước đây. Nếu ông Thiện và ông Thể hay nhà nước sử dụng mặt bằng phải trả lại giá trị đất cho chúng tôi. Trước hết, để giải quyết vụ việc này, địa phương cần mời các bên ngồi lại nhau để đối chứng giải thích, trình bày, không tự nói như vừa qua” - vợ chồng ông Cưng phản ánh.
Hỏi về sự việc, ông Nguyễn Văn Thể cho biết: “Đất tôi sử dụng thuộc đất ở đô thị và trồng cây lâu năm, ngày 20-5-2010 được UBND TP. Long Xuyên cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, diện tích 333,6m2. Đất tiếp giáp 4 mặt, gồm: 2 phần giáp với bà Nguyễn Thị Đạm, 1 phần tiếp với ông Nguyễn Minh Thiện, phía trước là hành lang lộ giới, chiều ngang khoảng 10m, dài 12m. Đây là lối ra vào nhà, đối diện ngang QL 91 là nhà bà Cẩm Chi, người cùng họ hàng. Ngày 9-7-2020, gia đình bà Chi căng dây chì, dựng hàng rào bằng lưới B40 trên lối đi ra vào nhà tôi ở. Trước đó, bà còn phơi củi, vỏ dừa và dựng bảng bán củi trên lối đi trước mặt tiền đất của tôi, ngăn cản không cho gia đình tôi sử dụng lối đi này. Tôi báo sự việc đến chính quyền địa phương và được tháo dỡ. Về phía ông Thiện thì nói sự việc đã được báo chí thông tin, địa phương xem xét giải quyết rồi. Trước ông sửa chữa với diện tích cũ (9m x 9,7m), làm hàng rào khung sắt có nguyên trạng từ trước, không có cơi nới thêm. Việc này có báo và cam kết với UBND phường khi nhà nước trưng dụng, tôi sẽ tháo dỡ, trả lại mặt bằng, không yêu cầu bồi thường”.
Trả lời về việc trên, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Đức Nguyễn Thế Mỹ cho biết, vừa qua, địa phương đến xử lý vụ tranh chấp đất đai của các hộ với anh em ông Thiện và ông Thể. Với yêu cầu của các hộ xác định phần tranh chấp nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ theo Quyết định số 343/ QĐ-UB ngày 7-8-1992 của UBND tỉnh, “Đoạn từ cầu Trà Ôn đến Lộ tẻ (km 193+332 - km 203+168) hành lang bảo vệ đường bộ xác định bên trái 14m, bên trái phải 05m”. Việc giải tỏa hành lang lộ giới được UBND TP. Long Xuyên thực hiện từ năm 1992-1993. Từ đó, đối với phần đất có vị trí tiếp giáp với QL 91 là đất công do nhà nước quản lý. Phần tranh chấp của các hộ không có cơ sở xem xét giải quyết, bởi họ không cung cấp được giấy tờ, dữ liệu chứng minh. Phần đất của ông Thiện, ông Thể có GCNQSDĐ, tiếp giáp với QL 91. Hiện những hộ có đất liền kề QL 91 được cấp giấy thì được sử dụng phần đất phía trước để làm lối đi, khi nhà nước có nhu cầu sử dụng chỉnh trang đô thị sẽ thu hồi lại.
Bài, ảnh: N.R