Phát hiện 'sốc': Tìm ra 'chìa khóa' kéo dài tuổi thọ thêm 25%

27/07/2024 - 09:11

Việc can thiệp vào một loại protein tên interleukin 11 (IL-11) giúp các con chuột thí nghiệm tăng tuổi thọ bất ngờ. IL-11 cũng hiện diện ở con người.

Trong thí nghiệm nhằm kéo dài tuổi thọ, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Trường Y khoa Đại học Quốc gia Singapore (NUS) phát hiện L-11 dường như đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình lão hóa.

Họ đã sử dụng kỹ thuật di truyền để ngăn chặn quá trình sản xuất IL-11 ở một nhóm chuột thí nghiệm, đồng thời tiêm thuốc kháng IL-11 cho những con chuột khác.

Các can thiệp nhắm vào IL-11 cho thấy việc kéo dài tuổi thọ, đẩy lùi lão hóa ngoạn mục trên chuột thí nghiệm và hứa hẹn tác dụng tương tự ở con người - Minh họa AI: Anh Thư

Kết quả công bố trên tạp chí khoa học Nature cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư và các khối u khác đều giảm ở cả hai nhóm, trong khi các tình trạng sức khỏe liên quan đến lão hóa - bao gồm tình trạng viêm mãn tính và chuyển hóa kém - cũng ít phổ biến hơn.

Nói cách khác, các con chuột này dường như chậm già đi đáng kể so với "bạn bè" không được ngăn chặn hoạt động của IL-11.

Cuối cùng, tuổi thọ của chúng tăng đáng kinh ngạc: Thêm tới 25% ở chuột cái và 22,5% ở chuột đực được khi so sánh với những con chuột không được can thiệp.

Theo Science Alert, IL-11 đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học nghiên cứu quá trình lão hóa trong nhiều năm.

IL-11 tích tụ trong cơ thể khi con người già đi và liên quan mức độ viêm nhiễm, mô sẹo và tình trạng suy nhược nói chung ngày càng tăng.

Protein này khi được kích hoạt sẽ gây ra tình trạng đa bệnh lý, là các bệnh về lão hóa và mất chức năng trên toàn bộ cơ thể, từ thị lực đến thính giác, từ cơ đến tóc, từ chức năng bơm của tim đến thận...

Nghiên cứu mới này kiểm tra rất nhiều tiêu chí cần thiết mà nhiều nghiên cứu về lão hóa trước đây chưa đề cập: Nó có hiệu quả với cả hai giới, hứa hẹn một tuổi thọ khỏe mạnh và không đi kèm bất kỳ tác dụng phụ rõ ràng nào.

Tất nhiên, các nhà khoa học sẽ cần tiến tới các thử nghiệm lâm sàng để xác định xem liệu một cơ chế tương tự có thể hiện ở con người hay không, cũng như điều chỉnh các biện pháp can thiệp sao cho phù hợp nhất với con người.

Theo ANH THƯ (Người Lao Động)