Phát hiện trường thành bí ẩn dài 115 km, 2.000 năm tuổi ở Tây Á

07/11/2019 - 08:56

Một công trình vĩ đại và bí ẩn trải dài qua nhiều đồi núi, đồng bằng gần biên giới Iran - Iraq được cho là thành lũy của một vương quốc cổ đại.

Tại miền hoang vu thuộc hạt Pil-e Zahab ở miền Tây Iran, gần biên giới Iran – Iraq, một cấu trúc cổ xưa đã gây thách thức cho các nhà khoa học.

Tàn tích trải dài đến 115 km theo hướng Bắc – Nam, từ dãy núi Bamu đến khu vực gần làng Zhaw Marg, là một bức tường dày đến 4 m, cao khoảng 3 m và chưa từng được lịch sử khảo cổ ghi nhận. Nó được đặt tên là Thành Gawri.

Vị trí của Thành Gawri được đánh dấu bằng các mũi tiên trắng qua ảnh vệ tinh - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Tehran (Iran), toàn bộ trường thành này ước tính có thể tích lên đến 1 triệu mét khối đá. Việc xây dựng nó đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ trong khi các bước phân tích khác cho thấy niên đại của nó là trên dưới 2.000 năm.

Các nhà khảo cổ không rõ bức trường thành mang tính phòng thủ hay tượng trưng, nhưng có thể nó là liên kết còn thiếu của di tích một lâu đài và vài đồn canh gác khác được tìm thấy gần khu vực.

Ở phần dưới, giữa bức hình vệ tinh, trường thành bí ẩn cũng lộ diện (các mũi tên nhỏ màu đỏ) - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Đối chiếu lịch sử 2 quốc gia Iran, các nhà nghiên cứu cho rằng trường thành vĩ đại và bí ẩn này phải thuộc về một trong 2 đế chế cổ đại, đó là đế chế Parthia (thống trị miền Tây Iran từ năm 247 trước Công nguyên đến 224 sau Công nguyên) hoặc đế chế Sassani (năm 224-651 sau Công nguyên). Đây là 2 đế chế cực kỳ hùng mạnh, có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, sở hữu các thành phố, lâu đài và hệ thống thủy lợi lớn và tài nguyên vừa đủ để xây Thành Gawri.

Thành Gawri không phải là trường thành bí ẩn duy nhất đã khiến giới khảo cổ Iran kinh ngạc. Một số cấu trúc tương tự đã được tìm thấy ở phía Bắc và Đông Bắc Iran.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Antiquity.

Theo Người lao động