Festival Đờn ca tài tử, lần thứ nhất (2014)
Đờn ca tài tử Nam Bộ được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ Nhã Nhạc cung đình Huế, nhạc lễ Nam Bộ và văn học dân gian; vừa mang tính bác học, vừa mang tính dân gian. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh, đờn ca tài tử là loại hình đặc sắc của dân tộc ta, mang những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam - cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường, nhưng rất đỗi nhân văn của những người con “Từ độ mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”.
Việc UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu, của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam, mà còn góp phần thiết thực giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đây còn là minh chứng sống động về sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập văn hóa thế giới.
Có dịp đến tỉnh Bạc Liêu, không thể không ghé thăm Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, được xây dựng từ năm 2008. Năm 2013, công trình được trùng tu, mở rộng gần 12.500m2, gồm nhiều hạng mục, như: Hồ phun nước nghệ thuật, đài Nguyệt Cầm, vườn nhạc cụ, nhà trưng bày nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương, nhà trưng bày nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu mộ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà biểu diễn…
Xung quanh Đài Nguyệt Cầm có khắc bản chữ thư pháp màu vàng, đó là tên các điệu thức của 20 bản tổ trong đờn ca tài tử gồm 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bài Oán và 7 bài Hạ (còn gọi là 7 bài Lớn). Trong khuôn viên vườn nhạc cụ, có 1 phiến đá khắc lại nguyên văn Bằng vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại vào ngày 5/12/2013. Đồng thời, khu lưu niệm cũng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”, được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là một trong những điểm du lịch (DL) tiêu biểu của vùng.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Bạc Liêu có chính sách đầu tư vật thể, gồm đầu tư cho con người, cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí hoạt động. Qua đó, phát huy khai thác, sáng tạo của cộng đồng tạo ra những sản phẩm, giá trị văn hóa mới. Thiết kế tour DL gắn kết với một số tỉnh, thành phố trong khu vực, đưa du khách đến Bạc Liêu, đến với nghệ thuật đờn ca tài tử. Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên DL có tâm huyết với các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc, nhiệt tình và am hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử làm nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá với du khách về cái hay, cái đẹp, cái độc đáo riêng có của nghệ thuật đờn ca tài tử…
Có thể thấy, việc thiết kế các tour DL bố trí thời gian cho khách có điều kiện đến với đờn ca tài tử; nội dung chương trình đờn ca tài tử phục vụ du khách phù hợp với từng nhóm đối tượng du khách được xây dựng có chủ đề, có dàn dựng, có kết cấu bài bản hợp lý, có cách thức biểu diễn phù hợp với không gian và thời gian, có phục trang đẹp để tôn vinh vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam. Nhất là, xây dựng chương trình mang tính đại chúng để mọi thành phần trong xã hội, mọi trình độ tâm lý, lứa tuổi đều có thể thưởng thức được đờn ca tài tử theo một sự chọn lọc tự nhiên của du khách… Những yếu tố này đưa đờn ca tài tử lan tỏa sâu rộng và góp phần phát triển DL địa phương.
Theo các chuyên gia, cùng với sưu tầm, làm sáng tỏ giá trị thì việc tổ chức hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử trong khuôn khổ lễ hội địa phương và đầu tư phát triển mạng lưới nhà hát, câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng... là rất cần thiết. Quy hoạch, đầu tư xây dựng điểm biểu diễn đờn ca tài tử gắn với công trình dịch vụ công cộng, phát triển DL. Khai thác giá trị nổi bật và hấp dẫn của đờn ca tài tử để xây dựng chương trình DL, đưa du khách thưởng thức đờn ca tài tử tại địa danh gắn với tên tuổi lớn. Thiết kế chương trình DL kết hợp đờn ca tài tử với điểm DL sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với DL ẩm thực… |
HỮU HUYNH