Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam

02/12/2021 - 18:14

 - Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức vừa qua là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động. Đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã xây dựng một nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động sáng tạo, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, mang đậm cốt cách dân tộc, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội. Chính nhờ có một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc dân tộc làm bệ đỡ, dân tộc ta đã vượt qua mọi thử thách cam go, không ngừng tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, coi văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, nhà nước quan tâm kế thừa, phát triển tư duy lý luận về văn hóa và chăm lo phát triển văn hóa, con người Việt Nam, coi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, sử dụng các biện pháp, tiến hành nhiều hoạt động phức tạp từ âm thầm đến công khai phá hoại tư tưởng, văn hóa đối với Việt Nam thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội, các vụ việc nhạy cảm, phức tạp; các vụ án kinh tế, vụ án có liên quan đến cán bộ, đảng viên; các vụ việc tham nhũng để gán ghép các nội dung chống Đảng, nhà nước gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế…

Văn hóa là lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội với nhiều khía cạnh hoạt động khác nhau, tác động đến ý thức hệ và chuẩn mực đạo đức xã hội. Nếu tư tưởng, văn hóa không vững sẽ dẫn đến sự thiếu đồng nhất, phân rã về tư tưởng trong xã hội; lai căng, xuống cấp về bản sắc văn hóa; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; người dân thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và con đường đi lên của dân tộc. Do đó, chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, các thế lực thù địch hướng đến mục tiêu hướng lái, chuyển hóa, phá vỡ nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xã hội ta, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, gây mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, sự quản lý thống nhất của nhà nước pháp quyền, nhằm mưu đồ lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Sự tác động này diễn ra từ từ, âm ỉ và dần ăn sâu trong ý thức của mỗi cá nhân nếu không biết cách nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn, phòng, chống.

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng XHCN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.

Chỉ rõ những giải pháp thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ trung ương đến cơ sở.

Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”…

KHÁNH MY