Phát huy vai trò “cầu nối”

04/09/2023 - 07:16

 - Qua 10 năm thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, toàn tỉnh nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm và sự cần thiết thực hiện công tác này.

“Nói dân nghe - nghe dân nói”

Những năm qua, cấp ủy Đảng trong tỉnh cụ thể hóa các văn bản Trung ương, của tỉnh; triển khai, quán triệt Quyết định 218-QĐ/TW đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Võ Nguyên Nam cho biết: “Qua 10 năm, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được nâng lên rõ rệt. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phối hợp MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham dự cuộc họp, hội nghị, đối thoại của người đứng đầu liên quan đến nội dung góp ý”.

Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp lắng nghe, đối thoại, gần gũi với Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc, tôn giáo

Theo đó, định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân theo phương châm “Nói dân nghe - nghe dân nói”.

Nhiều địa phương thực hiện tốt hội nghị đối thoại với Nhân dân, như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, huyện Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân. Ngoài ra, cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị còn tổ chức hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”; hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nghe cử tri góp ý đối với những người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp…

Đặc biệt, thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh chủ trì tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân về một số vấn đề, như: Thanh niên với vấn đề khởi nghiệp; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số; cơ chế, chính sách đối với đoàn viên, công nhân viên chức lao động, vai trò tổ chức công đoàn đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động…

Ông Nguyễn Văn Đạt (ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) cho biết: “Tôi thường tham dự hội nghị đối thoại để nghe việc làm được, hạn chế, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương. Trong đó, tôi quan tâm nhất là góp ý, đề xuất, kiến nghị của người dân liên quan đến đời sống, sinh hoạt…

Các ý kiến này được lãnh đạo các cấp trả lời tại chỗ. Những vấn đề nào khó, chưa thể giải quyết thì lãnh đạo địa phương, đơn vị hứa nghiên cứu giải quyết trong thời gian cụ thể. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe”.

Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân

Hội nghị đối thoại giúp lãnh đạo địa phương được trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, để tập trung giải quyết vướng mắc mà Nhân dân đang quan tâm. Đồng thời, lãnh đạo các cấp tiếp thu ý kiến về hạn chế, tồn tại, thiếu sót trong quá trình lãnh, chỉ đạo để khắc phục, góp phần tạo đồng thuận cao giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân; phát huy tốt vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, Nhân dân đối với hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền.

“Tại hội nghị đối thoại, đại biểu và Nhân dân phát huy dân chủ, trao đổi với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, xây dựng nhiều ý kiến giúp cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc; những vấn đề còn hạn chế, tồn tại, gây bức xúc trong Nhân dân.

Đặc biệt, chúng tôi lắng nghe, tiếp thu ý kiến hiến công, hiến kế, giải pháp hữu hiệu để cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh, chỉ đạo tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển KTXH của thành phố trong thời gian tới” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi chia sẻ.

“Thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW, thời gian qua, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Qua đó, vị thế của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nâng cao, thể hiện rõ nét nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW của tỉnh An Giang. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm lãnh, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả Quyết định 218-QĐ/TW, phát huy vai trò của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội trong việc làm “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân, phát huy vai trò Nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, tích cực tham gia phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh…

THU THẢO