Thực hiện kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình công tác của đơn vị, năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh triển khai nhiều hoạt động, khối lượng công việc lớn, xung quanh việc xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân… Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin: “Công tác giám sát, khảo sát được đoàn triển khai đúng tiến độ, nội dung kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, hiệu quả. Qua các cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến đóng góp để địa phương, đơn vị hiểu rõ hơn, nhận thức sâu hơn việc áp dụng cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn. Đồng thời, nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương giúp đoàn đánh giá khách quan khó khăn, vướng mắc trong triển khai cơ chế, chính sách. Sau giám sát, đoàn kịp thời gửi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp điều chỉnh phù hợp”.
Tại các kỳ họp của Quốc hội, đặc biệt là 2 kỳ họp Quốc hội thường kỳ năm 2024, ĐBQH tỉnh An Giang luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, căn cứ vào thực tiễn, kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, chủ động nghiên cứu, tham gia ý kiến một cách toàn diện, đầy đủ, trách nhiệm. Trong đó có 83 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường và trong phiên thảo luận tổ. Các ý kiến phát biểu đều rất chất lượng, thẳng thắn chỉ ra khó khăn, hạn chế, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể đối với nhiều ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn cùng diễn biến đa chiều của nền kinh tế thị trường, ĐBQH tỉnh An Giang đã chất vấn trực tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quản lý thị trường vàng. Đoàn cũng chất vấn bằng văn bản đến Bộ Giao thông vận tải về quan điểm “thu phí không dừng đối với phương tiện ra vào sân bay”…
“ĐBQH tỉnh đã chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị Chính phủ cần có nhiều giải pháp điều hành linh hoạt hơn, tăng cường dự báo diễn biến tình hình thế giới để định hướng cơ chế, chính sách phù hợp, đẩy nhanh phát triển trong nước; sớm tháo gỡ điểm nghẽn quan trọng là quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, sự chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn… Vấn đề tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước là chủ trương rất đúng đắn, nhưng cũng cần phải tính toán chuyển đổi công năng tài sản dôi dư một cách hợp lý ngay từ khi xem xét phương án sáp nhập, để có giải pháp tổng thể, tránh thất thoát, lãng phí. Thực hiện chuyển đổi số cần giảm chi phí xã hội mà người dân phải trả để tiếp cận dịch vụ ngày càng dễ dàng hơn, hiệu quả hơn…” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Hoạt động tiếp xúc cử tri được Đoàn ĐBQH phối hợp UBMTTQVN tỉnh, địa phương tổ chức định kỳ 4 lần/năm; luân phiên 46 điểm ở khắp 11 huyện, thị xã, thành phố. Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc trên 4.000 cử tri; tổ chức 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề công nhân lao động và cử tri nơi làm việc. Qua đó, đoàn ghi nhận gần 260 kiến nghị, làm cơ sở để các vị ĐBQH nắm bắt tổng quát tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác tư pháp, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trên địa bàn trước khi đến với kỳ họp Quốc hội; làm cơ sở chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến với nghị trường Quốc hội.
Ngoài việc lắng nghe, các vị ĐBQH, đặc biệt là ĐBQH Trung ương đã dành thời gian chia sẻ góc nhìn trên cương vị công tác của mình, giúp cử tri và Nhân dân An Giang nhìn nhận vấn đề bao quát, toàn diện hơn. “Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã dồn sức đầu tư phát triển hạ tầng, vừa để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, trong đó có ĐBSCL, An Giang, vừa để chuẩn bị tiền đề cho nhiệm kỳ mới, giai đoạn mới bứt phá. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Nhà nước không thể đầu tư cùng lúc, đáp ứng được tất cả nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, cũng như sự phát triển đồng đều ở tất cả địa phương. Do đó, với tư cách ĐBQH, vị trí công tác, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị ở diễn đàn Quốc hội phù hợp, làm sao sớm đem về những công trình, dự án thiết thực, tạo ra sự phát triển cho An Giang. Tuy nhiên, chi phí đầu tư rất cao, tính bằng ngàn tỷ đồng; phải xem xét hiệu quả kinh tế và nhiều yếu tố khác. Rất mong cử tri và Nhân dân tin tưởng, đồng thuận, chờ đợi những quyết sách tiếp theo của Quốc hội” - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, ĐBQH tỉnh An Giang, nhấn mạnh.
“Có thể khẳng định, qua 1 năm hoạt động sôi nổi, với tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn ĐBQH tỉnh và từng ĐBQH đã phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm cá nhân, tham gia tích cực vào hoạt động của Quốc hội, hoàn thành tốt trách nhiệm người đại biểu được Đảng bộ, chính quyền, cử tri và Nhân dân giao phó. Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm, hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2025; từng vị ĐBQH nỗ lực thực hiện tốt vai trò đại diện cho cử tri tỉnh nhà, tham gia thảo luận, góp ý kiến đối với các nội dung theo chương trình tại kỳ họp thứ 9, thứ 10, Quốc hội khóa XV” - ĐBQH Trình Lam Sinh chia sẻ.
GIA KHÁNH