Ngày 3/10/2017, Ban Bí thư ban hành Quyết định 99-QĐ/TW, yêu cầu: Cấp ủy, tổ chức Đảng phải công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; 19 điều quy định đảng viên không được làm; quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; chủ trương, chính sách, quy chế, quy định để thể chế hóa, cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật); bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định. Hình thức công khai, gồm: Trên phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.
Nhân dân được góp ý đối với cấp ủy, tổ chức Đảng về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; dự thảo chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn, quy chế, quy định... của Đảng, Nhà nước liên quan Nghị quyết Trung ương 4; mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức Đảng với Nhân dân. Đối với cán bộ, đảng viên, Nhân dân được góp ý những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền; trách nhiệm thực thi công vụ; thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên; mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân. Nhân dân có thể trực tiếp gặp cấp ủy, lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội để phản ánh; thông qua hòm thư góp ý công khai, hệ thống thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng; tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng; tiếp xúc cử tri; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác; khi chuẩn bị làm quy trình đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu đề cử, ứng cử đối với cán bộ, đảng viên.
Giám sát đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, Nhân dân có thể thực hiện thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; thông qua gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; qua phản ánh của phương tiện truyền thông đại chúng; qua phản ánh của người có uy tín trong cộng đồng dân cư; thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ nhân dân tự quản.
Kết luận 54-KL/TW, ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư chỉ rõ: “Sau 5 năm thực hiện Quyết định 99-QĐ/TW, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát huy quyền làm chủ và vai trò của Nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái được nâng lên; tăng cường lãnh, chỉ đạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng dân chủ, công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát. Nhân dân tin tưởng, chủ động và tích cực hơn tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Tại An Giang, những năm qua, Nhân dân được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, giám sát những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của mình. Quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng được phát huy. Từ đó, ra sức thi đua thực hiện hiệu quả các phong trào hành động cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, cùng địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hàng năm. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, thực hiện thường xuyên, nhất là phát huy vai trò giám sát của các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, kịp thời phát hiện những cán bộ, đảng viên có ý thức học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để kiên quyết đấu tranh xử lý, góp phần làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Những kết quả đó là minh chứng rõ nét nhất, giúp bác bỏ luận điệu sai trái của thế lực thù địch, phản động khi cho rằng “Đảng ta vi phạm dân chủ, quan liêu, xa dân; Đảng không vì lợi ích của dân, của nước mà chỉ tìm cách thâu tóm quyền lực để phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ nên dung túng, bao che cho các cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, có hành vi tham ô, tham nhũng, vi phạm kỷ luật, kỷ cương…”.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 99-QĐ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để người dân thật sự thực hiện được quyền kiểm tra, giám sát, góp ý, phản ánh; phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động Nhân dân nhận thức đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận, trả lời, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả phản ánh, kiến nghị chính đáng, khiếu nại, tố cáo chính xác của người dân. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ, động viên, khuyến khích người dân phát hiện, tố giác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, suy thoái và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
T.M