Phát huy vai trò người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

10/06/2022 - 05:50

 - Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Công tác thanh, kiểm tra, giám sát được tăng cường ởcác  ngành, lĩnh vực, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả

Chỉ thị 50-CT/TW cũng nhấn mạnh: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Quyết tâm ngăn chặn, từng bước kiềm chế và đẩy lùi nạn tham nhũng được Đảng và nhà nước gắn với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đã được cụ thể hóa thành các nghị quyết, chỉ thị và luật định. Người đứng đầu có vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt trong công tác kiểm tra, tự kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm, nhất là phát hiện tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nghị quyết xác định ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò có tính quyết định “trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị”.

Với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, năm 2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khởi tố mới án tham nhũng. Trong đó, nhiều địa phương đã điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Đồng Nai, An Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Sơn La…

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhấn mạnh công tác hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng, kích động, chia rẽ, đưa lên thành vấn đề phức tạp, xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đấu đá, mâu thuẫn nội bộ.

Tại An Giang, theo báo cáo của ngành chức năng, 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh không phát sinh trường hợp phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng. Việc phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng góp phần kịp thời ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được quan tâm thực hiện, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước; cải cách hành chính; quản lý, sử dụng tài sản công; trách nhiệm người đứng đầu, đạo đức công vụ; minh bạch tài sản thu nhập.

Công tác thanh, kiểm tra, giám sát được tăng cường ở các ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng. Người đứng đầu các đơn vị luôn ý thức gương mẫu, trách nhiệm đi đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tăng cường lãnh, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách, lâu dài. Do đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, liêm khiết, chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý, phụ trách. Đồng thời, chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí phải đủ mạnh. Có như vậy, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền đối với phát hiện tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra mới được nâng lên, góp phần kiềm chế, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực hiệu quả.

HẠNH CHÂU