Phát huy vai trò nhân dân trong phòng, chống tham nhũng

21/12/2022 - 07:11

 - Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp chống lại hành vi vi phạm pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức, cơ quan công quyền, có thể xảy ra nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều nơi. Qua đó, ngoài sức mạnh của hệ thống chính trị, cần phát huy vai trò của nhân dân.

Quang cảnh triển khai các văn bản pháp luật phòng, chống tham nhũng

Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quy định rõ trách nhiệm của công dân trong tham gia, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực. Công dân có thể trực tiếp tố cáo, hoặc thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân - tổ chức mà mình là thành viên. Theo đó, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, công dân có quyền lên án, phản ánh đến ban thanh tra nhân dân để tổ chức này kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Công dân cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xác minh vụ việc tham nhũng khi được yêu cầu. Khi tố cáo hành vi tham nhũng, công dân phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được. Người tố cáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập.

Những năm qua, nhân dân sử dụng quyền tố cáo theo quy định, góp phần quan trọng phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức có chức vụ, quyền hạn. Pháp luật về dân chủ ở cơ sở cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện giám sát của nhân dân với việc sử dụng các loại quỹ của công chức, cán bộ cấp xã. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết cho ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng xem xét, giải quyết và trả lời kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, của ban thanh tra nhân dân, của UBMTTQVN. Hoặc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của ban thanh tra nhân dân hoặc người có hành vi trả thù, trù dập công dân, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Tăng cường phát huy dân chủ

Trước hết, nâng cao nhận thức của nhân dân về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, của công luận trong kiểm tra, giám sát, đấu tranh phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Quan trọng nhất là phải làm cho cộng đồng hiểu rõ mục đích của việc thực hiện quyền công dân, quyền dân chủ ở cơ sở là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của chính mình và của toàn xã hội. Tiếp đó, hoàn thiện cơ chế và pháp luật về quyền công dân, quyền dân chủ cơ sở để tạo điều kiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả. Đó là những điều dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát, phát hiện được từ thực tế của cuộc sống, bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời, vì lợi ích chung. Cần tăng cường sự lãnh đạo, công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đối với việc bảo đảm thực hiện quyền tố cáo, quyền dân chủ của nhân dân. Ở những nơi có biểu hiện vi phạm dân chủ nghiêm trọng, tệ quan liêu, tham nhũng chưa được ngăn chặn, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải thật sự kiên quyết; có cơ chế lãnh đạo phù hợp, chế tài phù hợp, chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Đảng ta xác định, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới hiện nay. Trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đề ra một số chủ trương, quan điểm. Đặc biệt, phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Văn kiện Đại hội XIII đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật; thực hiện quyết liệt, nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII có những bước phát triển mới, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, “khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, răn đe để kiểm soát tham nhũng tiêu cực. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, xử lý người vi phạm không có vùng cấm”. Đảng đề ra chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí, thông tin, đặc biệt vai trò của nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

N.R