Người dân bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) chăm sóc cây chanh leo. (Ảnh Quốc Tuấn)
Hiện nay, cây chanh leo được trồng chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và một số địa phương phía bắc. Vì vậy, cây chanh leo đang được xem là một trong những loại cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân ở nhiều địa phương.
Việt Nam có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất chanh leo hàng hóa. Với đặc tính dễ trồng, thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn và thời gian thu hoạch quả kéo dài (hầu như quanh năm ở vùng Tây Nguyên); quả chanh leo dễ thu hái, vận chuyển và bảo quản, thuận tiện việc cung cấp nguyên liệu tươi cho tiêu thụ, sơ, chế biến so nhiều loại quả khác.
Giá trị xuất khẩu tăng
Ở nhiều địa phương, cây chanh leo đã hình thành được hệ thống cơ sở thu mua, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư hệ thống kho lạnh cho việc sơ chế, bảo quản, tiêu thụ.
Chanh leo là cây trồng hàng hóa mới, định hướng xuất khẩu là chủ yếu nên thu hút sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn đầu tư từ hệ thống nghiên cứu sản xuất giống, kho lạnh bảo quản, nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ tiên tiến... đã và đang góp phần xây dựng thương hiệu, phát triển ngành hàng này tăng trưởng nhanh, chiếm vị thế, thị phần đáng kể trong xuất khẩu rau quả nước ta.
Giá trị xuất khẩu chanh leo nước ta liên tục tăng trưởng cao từ 19,5 triệu USD năm 2015 lên khoảng 70 triệu USD/năm hiện nay.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường, hết năm 2022, diện tích cây ăn quả cả nước khoảng 1,22 triệu hecta, sản lượng 13 triệu tấn, trong đó cây chanh leo có diện tích 9,5 nghìn hecta, năng suất bình quân đạt 191-226 tạ/ha.
Những năm qua, giá trị xuất khẩu chanh leo nước ta liên tục tăng trưởng cao từ 19,5 triệu USD năm 2015 lên khoảng 70 triệu USD/năm hiện nay. Chanh leo tiêu thụ khá đa dạng: quả tươi, sơ chế, chế biến. Trong đó sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dạng dịch quả sơ chế cấp đông. Sản phẩm chế biến gồm nước ép cô đặc, đông lạnh, sấy dẻo... Các thị trường xuất khẩu chính là: châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Đông...
Hiện nay, khu vực Tây Nguyên là vùng chanh leo chủ lực của cả nước với khoảng 8,2 nghìn hecta, chiếm hơn 86% diện tích cả nước. Trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích chanh leo lớn nhất với hơn 4.263ha, sản lượng đạt hơn 134 nghìn tấn. Đây cũng là địa phương thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến tiêu thụ chanh leo lớn nhất cả nước.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành hệ thống sản xuất giống chanh leo ba cấp trong nhà lưới tiên tiến, sạch bệnh với quy mô hàng triệu cây giống/năm. Hơn nữa, toàn tỉnh cũng có khoảng 2.472,8ha ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp nâng cao năng suất, chất lượng chanh leo trong thời gian qua.
Mở rộng cấp mã số vùng trồng
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương nhằm thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu. Trong những năm gần đây sản xuất chanh leo nước ta tăng trưởng nhanh cả về diện tích, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, chanh leo và sầu riêng là hai loại quả của nước ta mới được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc kể từ tháng 7/2022, đây là cơ hội lớn cho sản xuất. Bên cạnh những cơ hội, thành tựu đạt được, sản xuất, xuất khẩu chanh leo nước ta cũng đang đứng trước nhiều tồn tại, rủi ro và thách thức như: Một số nơi vùng sản xuất còn thực hiện quy trình canh tác chưa bền vững; diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với quy mô diện tích, sản lượng chanh leo hiện có.
Chanh leo là cây trồng hàng hóa mới, định hướng xuất khẩu là chủ yếu nên thu hút sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn đầu tư từ hệ thống nghiên cứu sản xuất giống, kho lạnh bảo quản, nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ tiên tiến.
Mặt khác, sản xuất chanh leo ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn do một số nơi sản xuất nhỏ lẻ ở nông hộ là chủ yếu; liên kết sản xuất chanh leo giữa doanh nghiệp và người dân chưa bền vững và chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn; quy trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm ở một số nơi chưa được chú trọng đúng mức...
Định hướng thời gian tới cả nước có khoảng 12-15 nghìn hecta chanh leo, sản lượng 250-300 nghìn tấn.
Để thực hiện mục tiêu này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, các địa phương cần rà soát diện tích chanh leo, từ đó xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh leo xuất khẩu phù hợp; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Bên cạnh đó, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trong vùng sản xuất chanh leo tập trung nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân, xây dựng mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chanh leo hiệu quả.
Theo Nhân Dân