Phát triển du lịch chợ nổi, sinh thái giữa lòng thành phố

14/01/2025 - 08:11

 - Thời gian qua, du lịch (DL) đường sông rộ lên như một xu thế DL thu hút đông du khách. An Giang có điều kiện rất thuận lợi để phát triển DL đường sông, cùng với nhiều di sản văn hóa ven sông, nên có lợi thế để tạo ra những sản phẩm khác biệt.

Thưởng thức cái se lạnh những ngày giáp Tết vào 5 giờ sáng, du khách lên thuyền đến chợ nổi Long Xuyên. Chợ nổi Long Xuyên hình thành từ rất lâu sau nhiều lần thay đổi vị trí, đến nay tọa lạc trên sông Hậu, với chiều dài khoảng 2km, dọc theo Khu đô thị Tây sông Hậu. Xuất phát từ nhu cầu giao thương hàng hóa từ các vùng lân cận cung cấp cho nhu cầu của chợ Long Xuyên, chợ nổi Long Xuyên kinh doanh các mặt hàng chính là rau, củ, quả. Chợ tập trung 23 ghe thuyền, trong đó có 6 ghe kinh doanh nông sản: Dừa, khóm, khoai, cà, dưa hấu, còn lại 17 ghe neo đậu, sinh sống dọc tuyến sông, có 3 ghe thuyền chuyên buôn bán nước giải khát, thức ăn. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước.

Khi thời tiết hanh nắng thì không khí chợ rất nhộn nhịp, còn khi mưa, bão thì ít lại. Vào thứ bảy, chủ nhật và cận kề với sự kiện lễ, Tết, hoạt động của chợ nổi thêm phần sôi động. Chợ nổi thường đón những đoàn khách lẻ, đoàn khách gia đình, các tour DL đến tham quan, trải nghiệm sông nước.

Theo nhận định của các công ty lữ hành DL trong nước và quốc tế, chợ nổi Long Xuyên và cù lao Ông Hổ là điểm đến còn hoang sơ, chưa có nhiều khách DL, cũng chưa bị thương mại hóa, DL hóa. Trong lúc khách DL quốc tế muốn khám phá những điểm đến ít khách DL, còn nguyên sơ, giữ được tính địa phương và gần gũi với thiên nhiên, thì đây là điểm đến rất tiềm năng. “Alden Travel mở tour này nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước. Trong khi chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) quá đông đúc và có nhiều rác thải trên sông, Chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) bị mai một, chợ nổi Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) trái tuyến, thì chợ nổi Long Xuyên là chợ nổi duy nhất còn đông đúc, giữ được nét nguyên sơ của miền Tây Nam Bộ” - chị Nguyễn Thị Anh Tú, Giám đốc Điều hành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ DL Alden chia sẻ.

Du khách trải nghiệm chợ nổi, thưởng thức ẩm thực trên sông

Chị Nguyễn Thị Anh Tú cho biết: “Nhận thấy chợ nổi Long Xuyên có tiềm năng phát triển, tạo nên hấp dẫn cho sản phẩm tour của Alden, là một mắt xích hợp lý cho hành trình từ sông ra biển, kết nối du khách từ Campuchia về Việt Nam, từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ về TP. Châu Đốc. Long Xuyên nằm giữa TP. Cần Thơ và TP. Châu Đốc, nếu tổ chức tốt sẽ rút ngắn quãng đường di chuyển, du khách có thêm trải nghiệm. 5 năm nay, Alden Travel khai thác tour chợ nổi Long Xuyên kết hợp với tham quan cù lao ông Hổ, đã đưa nhiều đoàn khách quốc tế về Long Xuyên và cù lao”.

Rời chợ nổi, các đơn vị lữ hành, du khách xuôi thuyền cập bến, khám phá nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lồng bè trên sông Hậu. Cụm bè của doanh nghiệp Hai Thuận, cách chợ nổi Long Xuyên khoảng 1.500m đường sông. Cụm bè có quy mô 15 bè, bố trí liền kề, liên tục theo hình chữ U, giúp khách tham quan di chuyển dễ dàng để trải nghiệm nghề nuôi thủy sản trên sông nước. Đặc biệt, bố trí 1 bè riêng biệt phục vụ giải khát, được trang trí bắt mắt để du khách nghỉ ngơi, thư giản. Nơi đây thường đón những đoàn khách lẻ, đoàn khách gia đình, các tour tuyến DL đến tham quan.

Đắm mình trong cái se lạnh mùa Xuân, du khách hòa mình với sự thanh bình của vùng quê Nam Bộ trên mảnh đất cù lao Ông Hổ (TP. Long Xuyên). Kết hợp tìm hiểu giá trị di tích lịch sử văn hóa truyền thống địa phương, nơi đây được ví như lá phổi xanh của thành phố. Bên cạnh nhịp sống sôi động, ồn ào, là cảnh quan bình yên của vùng sông nước, đặc trưng của cư dân Nam Bộ và An Giang.

Xã Mỹ Hòa Hưng được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là du khách biết đến với Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt. Mỹ Hòa Hưng còn là xã cù lao với không gian xanh được bao quanh bởi sông nước miệt vườn với các địa điểm tham quan DL, vui chơi giải trí, như: Hệ thống 6 homestay phục vụ nghỉ dưỡng, 4 vườn trái cây đặc sản (sơ ri, lựu đỏ Ấn Độ, quýt hồng, nhãn), 6 di tích văn hóa. Phương tiện đường thủy phục vụ du khách có 12 chiếc thuyền, phương tiện đường bộ 8 xe ba-gác tự chế, 50 xe đạp. Ngành nghề truyền thống được lưu giữ như làng làm nhang, làm giá đậu. Xã còn có khu nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ ăn uống 10 hộ, 2 khu vực bè câu cá giải trí có 15 bè, 1 khu vui chơi giải trí trẻ em, 1 hợp tác xã dịch vụ DL nông nghiệp; tuyến đường hoa rực rỡ cắt ngang cánh đồng lúa vàng trĩu hạt ở thời điểm cận thu hoạch. Ngoài ra, có các câu lạc bộ đờn ca tài tử, hoa kiểng, cờ tướng… phục vụ du khách.

Trên cù lao, sinh hoạt của người dân còn giữ nguyên tính chất địa phương, người dân hiếu khách. Cù lao có nhiều điểm dừng hợp lý với cung đường tour xe đạp, cơ sở sản xuất mật sơ ri, vườn rau, vườn cây trái, các ngôi nhà cổ trăm năm… “Chúng tôi kết hợp chợ nổi Long Xuyên với tour xe đạp quanh cù lao ông Hổ, tham quan trải nghiệm, khám phá văn hóa, lịch sử. Tour xe đạp là thế mạnh của Alden đã tổ chức từ năm 2017 đến nay, là tour mạnh nhất Mekong, nên khai thác tour này có lợi thế và tạo ra sản phẩm DL hấp dẫn” - chị Nguyễn Thị Anh Tú chia sẻ.

Tham quan một vòng chợ nổi và các điểm, ông Trương Quang Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Du thuyền Việt Princess (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất: Cần tạo không khí nhộn nhịp hơn trên chợ nổi. Muốn làm DL đường sông phù hợp, An Giang nên phối hợp TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp kinh doanh, đơn vị lữ hành DL, có dự án phát triển DL, xây dựng sản phẩm DL, kết nối TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - An Giang qua Campuchia và ngược lại bằng đường thủy…

HẠNH CHÂU