Phát triển du lịch ở làng Chăm

28/02/2024 - 06:52

 - Với tiềm năng phong phú, ngành du lịch (DL) An Giang đã khai thác đa dạng các sản phẩm đặc sắc để phục vụ du khách gần xa. Hiện nay, loại hình DL văn hóa Chăm đang có bước phát triển mới, cần được ngành chuyên môn, địa phương hỗ trợ để tận dụng hết tiềm năng sẵn có.

Cần đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hóa Chăm vào du lịch

Nép mình bên ngã ba sông Châu Đốc, làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú) và làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu) từ lâu đã xuất hiện trên bản đồ DL An Giang. Với nền văn hóa đặc sắc cùng hoạt động ẩm thực phong phú, các làng Chăm sở hữu tiềm năng DL độc đáo, nhưng chưa được khai thác đúng mức.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu nhận định: “Cùng với giá trị tâm linh và phong cảnh hữu tình, An Giang còn sở hữu nền văn hóa đặc sắc của 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Khmer, Hoa. Trong đó, cộng đồng người Chăm ở An Giang với hoạt động tín ngưỡng và đời sống văn hóa độc đáo là tiềm năng lý tưởng để khai thác DL.

Nếu phân tích, sẽ thấy văn hóa Chăm gắn liền với văn hóa sông nước An Giang, nên ngành chuyên môn và các công ty DL hoàn toàn có thể kết nối các tour, tuyến để khai phá “mảnh đất” màu mỡ này. Tuy nhiên, hoạt động DL ở làng Chăm những năm qua chỉ dừng lại ở mức giới thiệu, “đính kèm” với sản phẩm DL khác, chưa thể hình thành những sản phẩm riêng biệt như tiềm năng vốn có”.

Ông Lê Trung Hiếu cho rằng, du khách khi đến với An Giang luôn muốn tìm hiểu về đời sống sinh hoạt thường nhật, hoạt động tín ngưỡng - văn hóa, nghệ thuật ẩm thực… của cộng đồng dân tộc thiểu số Chăm Islam. Thực tế, để phát triển DL tại các làng Chăm, cần có những “hạt nhân” thật sự tâm huyết, những điểm đến được đầu tư bài bản, thể hiện rõ sự độc đáo từ cơ sở vật chất cho đến cách thức hoạt động, để du khách được sống trong không gian văn hóa Chăm thật sự.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) phân tích: “Đến với An Giang, tôi không chỉ thích thú phong cảnh sông núi hữu tình, huyền thoại tâm linh độc đáo mà còn ấn tượng với nền văn hóa các dân tộc rất đặc sắc. Trong đó, DL văn hóa Chăm là nét riêng chỉ có ở An Giang, nếu so với các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Vì vậy, việc khai thác loại hình DL này sẽ làm đa dạng hơn màu sắc trên “bức tranh” DL của An Giang nói riêng, cả vùng ĐBSCL nói chung. Thực tế, du khách đến An Giang là để tìm hiểu những điều mới mẻ, những nét riêng mà nơi khác không có; và DL làng Chăm hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí đó”.

Trong chuyến tham quan “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”, ông Huỳnh Quốc Thắng rất đồng tình khi ngành DL An Giang có kế hoạch kết hợp điểm DL này với các điểm đến ở 2 làng Chăm. Ông cho rằng, sự xuất hiện của Khu chợ quê làng Chăm Đa Phước (thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) sẽ là động lực để ngành DL An Giang khai thác các sản phẩm mới, giúp cho văn hóa Chăm có thể hình thành sản phẩm độc lập, thay vì phải kết hợp với các tour, tuyến khác.

Theo đó, Khu chợ quê làng Chăm Đa Phước với tổng diện tích khoảng 5ha, khai trương cuối tháng 1/2024 để phục vụ cộng đồng người Chăm và du khách trong, ngoài tỉnh. Nơi này ngày càng thu hút du khách, dù chỉ hoạt động vào thứ 7 hàng tuần. 

Ông Mohamad Aly (đại diện Khu chợ quê làng Chăm Đa Phước) thông tin: “Trước mắt, chúng tôi chỉ thực hiện khu chợ quê với các món ăn đặc sản Chăm phục vụ du khách, như: Cà ri, tung lò mò, món lòng bò nấu kiểu Chăm, các món bánh truyền thống… Bên cạnh, còn có hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống Chăm, đặc sắc nhất là trống Rap Pà-nà, loại hình nghệ thuật không còn xuất hiện thường xuyên trong đời sống cộng đồng Chăm An Giang. Từ khi khai trương đến nay, chúng tôi đón khoảng 1.000 lượt người đến tham quan, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ hàng tuần. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển Khu chợ quê làng Chăm Đa Phước trở thành khu DL sinh thái trong tương lai”.

Sau khi hoàn thiện các hạng mục, khu DL sinh thái tại làng Chăm Đa Phước sẽ mang những nét rất riêng, không lẫn với bất cứ nơi nào. Bên cạnh, sẽ có thêm các sản phẩm DL văn hóa độc đáo, như: Tái hiện lại lễ cưới truyền thống, tục đưa rể, các lễ hội trong năm của người Chăm, dịch vụ homestay, đua xuồng ba lá… để du khách trải nghiệm.

“Mục tiêu của chúng tôi là đẩy mạnh quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng người Chăm, để mọi người hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở đất An Giang. Bên cạnh, cũng tạo việc làm cho thanh niên Chăm tại địa phương. Vì đây là hoạt động DL mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm, nên chỉ những người Chăm mới đảm bảo phục vụ du khách tốt nhất. Chúng tôi mong địa phương, các ban, ngành hướng dẫn, hỗ trợ về mặt pháp lý, tạo điều kiện để khu DL đầu tư hệ thống xe điện chuyên chở du khách đến tham quan trong thời gian tới” - ông Mohamad Aly đề xuất.

Dù chỉ mới hoàn thành hơn 20% các hạng mục công trình, nhưng đã nhiều đoàn khách trong, ngoài tỉnh đến Khu chợ quê làng Chăm Đa Phước để khám phá, thưởng thức các món ăn đặc sản. Điều này cho thấy sức hút nhất định của hoạt động DL văn hóa Chăm đối với du khách. Vì vậy, ngành chuyên môn và địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện để DL văn hóa Chăm phát triển, nhằm đa dạng trải nghiệm cho du khách khi đến An Giang, khẳng định tiềm năng, vị thế của vùng đất đầu nguồn châu thổ Cửu Long.

THANH TIẾN