Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc

27/11/2023 - 18:33

Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường cao… Từ đó, cơ bản rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, đô thị và nông thôn. Đây là nỗ lực của chính quyền các cấp cùng chính sách của nhà nước kịp thời, phù hợp dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta.

ọc sinh đồng bào dân tộc Khmer ở trường THPT Phú Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi/TXVN

Kết quả lạc quan

Theo đánh giá của Vụ Công tác dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc, hoạt động giáo dục trong vùng dân tộc được đẩy mạnh. Các chính sách về giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phát huy hiệu quả tích cực. Các trường phổ thông dân tộc nội trú hoạt động hiệu quả, chính sách cử tuyển, dạy nghề, dạy chữ dân tộc được quan tâm, số lượng học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ngày càng tăng...

Vùng còn có cơ sở đào tạo hệ Đại học về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ duy nhất của cả nước tại Trường Đại học Trà Vinh. Những kết quả này là “điểm sáng” trong giáo dục đại học của vùng.

Sau gần 3 năm thực hiện Dự án 5 về phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025, với nguồn vốn được bố trí gần 194 tỷ đồng góp phần bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cho một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Hệ thống trường lớp bảo đảm kiên cố, không còn trường học, lớp học tạm, chất lượng giáo dục của tỉnh, trong từng cấp học từng bước được nâng lên.

Toàn tỉnh có 10 trường Phổ thông dân tộc nội trú, với trên 3.000 học sinh theo học hàng năm; 7 trường Phổ thông Dân tộc nội trú được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất với vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 122 tỷ đồng tại các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Long Phú và Thạnh Trị…

Theo định hướng phát triển, đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% trường Phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia. Sóc Trăng còn có gần 150 trường học dạy tiếng Khmer với khoảng 42.000 học sinh, 5 trường dạy tiếng Hoa (trên 1.600 học sinh). Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng khẳng định, địa phương luôn thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục bền vững, coi đây là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trà Vinh là tỉnh đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm hơn 31% dân số toàn tỉnh). Năm học 2023 - 2024, tỉnh có khoảng 75.000 em là người Khmer, chiếm hơn 35% trong tổng số học sinh của tỉnh. Hàng năm, tỉnh có khoảng 2.500 sinh viên là người Khmer học ở bậc đại học và cao đẳng.

Theo ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, tỉnh có đề án quy hoạch, phát triển trường, lớp nhằm phục vụ công tác giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc. Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số, Trà Vinh xây dựng 8 trường Phổ thông dân tộc nội trú và trường Trung cấp Pali-Khmer ở khu vực có đông đồng bào Khmer như các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành…

Năm 2020, Trà Vinh biên soạn hoàn thiện sách giáo khoa Tiếng Khmer quyển 8, 9, 10 để cấp phát cho các cơ sở có dạy bộ môn này. Đến nay, môn Tiếng Khmer được dạy trong 121/296 trường học trên toàn tỉnh, 130/143 chùa ở Trà Vinh có lớp dạy tiếng Khmer cho người dân, các lớp này do sư trong chùa phụ trách.

Giáo dục chất lượng, công bằng, toàn diện

Các lớp dạy chữ Khmer giúp đồng bào Khmer bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Cần Thơ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long có 43 thành phần dân tộc, trong đó chiếm số đông là Khmer, người Hoa, người Chăm nên giáo dục chuyên biệt có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, toàn vùng chỉ có 47% trường đặc thù đạt chuẩn quốc gia. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai giải pháp để các dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng.

Các địa phương cần phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào dân tộc, đảm bảo đủ giáo viên cho từng cấp học, môn học. Đội ngũ giáo viên phải đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Tại địa phương, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn với khu vực thành thị. Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học các trường Phổ thông dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Sóc Trăng đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cho các địa phương có dạy chữ dân tộc. Đặc biệt là đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc có trình độ đại học; sớm ban hành chương trình giảng dạy tiếng Hoa tại trường phổ thông có nhu cầu học tiếng Hoa; mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng Hoa phục vụ các địa phương theo đúng quy định.

Thực hiện kế hoạch dạy và học tiếng Khmer trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giai đoạn 2022 - 2030, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh tiếp tục duy trì việc dạy và học tiếng Khmer thử nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, đồng thời phối hợp với Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất chương trình dạy học, bổ trợ kiến thức học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, góp phần nâng cao trình độ dân trí dân tộc thiểu số.

Trà Vinh tiếp tục triển khai đề án quy hoạch, phát triển trường, lớp nhằm phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở khu vực có đông đồng bào Khmer được tỉnh chú trọng, nhất là tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài. Hội khuyến học các cấp tập trung liên kết, phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động hội viên, nhân dân tích cực đăng ký xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập.

Tỉnh An Giang hiện có 19.406/58.443 người dân tộc thiểu số mù chữ, trong đó nhiều nhất ở hai huyện, thị xã miền núi Tri Tôn (9.573 người) và Tịnh Biên (8.655 người). Thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, An Giang có 5 huyện, thị xã triển khai gồm: Tri Tôn, An Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tân Châu.

Tại Kiên Giang, từ năm 2010 đến nay, tỉnh thực hiện chính sách đào tạo cử tuyển dành cho hơn 400 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số theo học tại trường đại học, cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được địa phương bố trí công tác và gắn bó lâu dài với quê hương.

Theo TTXVN