Theo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tổng diện tích đất phát triển các KCN đến năm 2030 của tỉnh là 872ha, gồm: KCN Bình Hòa (252ha), KCN Bình Long (31ha), KCN Vàm Cống (194ha), KCN Hội An (100ha), KCN Xuân Tô (140ha), KCN Định Thành (155ha). Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với vùng nguyên liệu tập trung; phát triển công nghiệp chế tạo phục vụ lĩnh vực nông nghiệp; gia công các mặt hàng may mặc, da giày thể thao, túi xách… không gây ô nhiễm môi trường.
Khu KTCK tỉnh An Giang có tổng diện tích tự nhiên 30.729,8ha, với 3 khu vực cửa khẩu, gồm: Khu vực Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, quy mô 12.487ha; khu vực Cửa khẩu Khánh Bình, quy mô 8.141ha và khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, quy mô 10.101ha. Theo Quyết định 456/QĐ-TTg, ngày 22/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu KTCK tỉnh An Giang, đến năm 2030, khu KTCK tỉnh được xác định với tính chất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế; đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt trong quan hệ với Campuchia. Đồng thời, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển kinh tế, phát triển đô thị của vùng biên giới phía Tây Bắc của tỉnh và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng - an ninh.

An Giang tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh
Đến nay, các KCN, khu KTCK trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 47 dự án (8 dự án 100% vốn nước ngoài, 1 dự án có nhà đầu tư người nước ngoài Hàn Quốc là thành viên). Trong đó, KCN Bình Hòa có 18 dự án; KCN Bình Long có 9 dự án; KCN Xuân Tô có 2 dự án; khu vực Cửa khẩu Khánh Bình có 7 dự án; khu vực Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương có 1 dự án; khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên có 10 dự án. Tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng, với tổng diện tích đất cho thuê 148ha (trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Các dự án đưa vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho khoảng 19.000 lao động…
Mặc dù các KCN, khu KTCK khẳng định rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh nhưng cũng vướng một số “điểm nghẽn” cần khơi thông, như: Hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, thiếu lao động có tay nghề; một số khu chức năng thuộc KCN, khu KTCK hiện nay chưa được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường; một số dự án chậm triển khai các giai đoạn còn lại và đang xin gia hạn tiến độ đầu tư, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19…
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các KCN, khu KTCK, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thường xuyên theo dõi, liên hệ các bộ, ngành Trung ương để nắm chắc thông tin về tình hình xử lý và kịp thời tham mưu hoàn thành đối với các nhiệm vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu KTCK tỉnh đến năm 2045 để khẩn trương hoàn thiện Đề án đầu tư Khu KTCK tỉnh trình phê duyệt. Đồng thời, khẩn trương rà soát, xây dựng hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư trong KCN, khu KTCK để công khai cho doanh nghiệp biết. Phối hợp Sở Tài chính rà soát các dự án khả thi để mời gọi đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết mời gọi đầu tư các dự án, có phân công nhiệm vụ, thời gian cụ thể và kiểm tra thực hiện...
Liên quan đến các dự án có đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án trong KCN, khu KTCK, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ, pháp lý gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường, phối hợp xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, cụm công nghiệp, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, nhằm đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động…
Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang Trần Hòa Hợp chia sẻ: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân và đơn vị trực thuộc; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các sở, ngành tỉnh và UBND các địa phương có liên quan, khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Với nhận thức về tầm quan trọng của các KCN, khu KTCK đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của đơn vị. Bên cạnh đó, kịp thời tham mưu, đề xuất đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các giải pháp phát triển các KCN, khu KTCK tỉnh thời gian tới, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
TRUNG HIẾU