Nông dân Huỳnh Văn Phúc thu hoạch sen
Việc trồng một loại cây trên cùng một diện tích đất quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng đất bị mất chất dinh dưỡng, cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công, cỏ dại kháng thuốc... gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Từ đó, mô hình luân canh cây trồng ra đời, đạt hiệu quả tích cực, giảm sự phụ thuộc của cây trồng vào các loại chất dinh dưỡng, giúp hạn chế sâu bệnh và cỏ dại, tạo nên sự phong phú và đa dạng cây trồng trên đất ruộng.
Anh Huỳnh Văn Phúc (ấp An Thới, xã Hội An, huyện Chợ Mới) cho biết, gia đình anh sử dụng hơn 5ha đất để trồng sen và khoai môn. Trong đó, ngoài diện tích gần 4ha đất của gia đình, anh còn thuê thêm 1,4ha đất cũng để trồng sen và khoai môn. Mỗi năm, anh trồng được 2 vụ, thu hoạch sen xong là bắt đầu cải tạo lại đất để trồng khoai môn bán Tết.
Phát triển mô hình luân canh sen và khoai môn được 3 năm, anh Phúc nhận thấy: Sen là giống cây dễ trồng, ít nhiễm bệnh, nhẹ chăm sóc. Trong thời gian sen phát triển, cứ 10 ngày rải 10kg phân/công đất. Chỉ khi bị sâu bệnh: Sâu lá, bọ trĩ… tấn công thì xịt thuốc.
Ngoài ra, sen chịu được thời tiết thay đổi thất thường, trồng khoảng 3 tháng sẽ cho thu hoạch, thời gian thu hoạch liên tục trong khoảng 2,5 - 3 tháng/vụ sen, nếu không có gì trở ngại có thể cho năng suất gương đạt 50kg/công đất.
Hiện tại, 1,4ha đất thuê trồng sen lấy gương của anh Phúc đã xuống giống được hơn 3 tháng và đang thu hoạch. Cứ 2 ngày thu hoạch 1 lần, khoảng 400 - 500kg gương, vào thời điểm sen rộ có thể cho năng suất nhiều hơn. Anh Phúc ước tính, nếu sen ở mức giá ổn định 12.000 - 15.000 đồng/kg thì mỗi vụ cho thu nhập khá.
Tuy nhiên, thời gian qua, giá gương sen không ổn định, có thời điểm giá lên đến 70.000 - 80.000 đồng/kg nông dân rất phấn khởi, nhưng cũng có thời điểm giảm chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, thậm chí vựa tạm ngưng mua dẫn đến người trồng thua lỗ. Riêng khoai môn chi phí đầu tư mỗi công đất khoảng 30 triệu đồng, nếu bán được giá 50 triệu đồng/công thì lợi nhuận được 20 triệu đồng. Chỉ cần mức giá 20.000 đồng/kg, người trồng đã có lợi nhuận khá.
Nhờ mô hình luân canh, nhiều lao động ở địa phương có thêm việc làm. Anh Đàm Văn Tý (39 tuổi, ngụ ấp An Bình, xã Hội An, huyện Chợ Mới) từ sáng sớm có mặt cùng mọi người để hái gương sen.
Anh Tý cho biết, giá thuê nhân công hái gương sen được tính theo giờ, mỗi giờ 40.000 đồng, tùy vào diện tích lớn nhỏ của ruộng sen, hái nhiều hay ít sẽ có thu nhập từ 180.000 - 250.000 đồng/người/ngày. Đến ngày thu hoạch, dù nắng hay mưa cũng phải hái, hạt sen rất mau già nên hái không kịp hoặc hái sót sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hạt không đảm bảo, bán mất giá.
Để thu hoạch cả ruộng sen lớn, mọi người dàn hàng ngang, đi thẳng từ đầu ruộng bên đây tới đầu ruộng bên kia và vòng lại những điểm kế tiếp cho đến hết ruộng sen. Người thu hoạch gương, ngoài việc phải lội dưới bùn thì phải mặc đồ bảo hộ, đeo bao tay, bao chân thật dầy hoặc áo mưa để tránh gai từ cây sen cào vào người. Sau khi thu hoạch hết vụ sen, người trồng chuyển sang bón phân, phun thuốc vụ khoai môn, vụ lúa… nhờ vậy người lao động có thêm việc làm và thu nhập để trang trải cuộc sống.
Từ việc luân canh cây trồng cho thấy lợi ích thiết thực của mô hình này, giúp nông dân không còn phụ thuộc vào một loại cây trên cùng diện tích đất trong nhiều năm, giúp người dân thoát nghèo, chủ động hơn trong canh tác, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động tự do tại địa phương.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của nông dân là giá cả và đầu ra cho sản phẩm mình làm ra không ổn định. Bởi, nông sản thường hay gặp điệp khúc được mùa nhưng lại mất giá, được giá thì lại không có sản phẩm để bán. Do vậy, người trồng cần nghiên cứu kỹ thị trường, về kỹ thuật trồng, đầu ra của nông sản, tránh trồng theo phong trào, theo số đông dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm rớt giá…
NGUYỄN XÊ