Anh Nguyễn Hải Vương (ngụ xã Thạnh Mỹ Tây) nhận thấy nguồn lươn giống ngày càng khan hiếm, nhất là khó mua được lươn giống chất lượng về nuôi. Vì vậy, sau 4 năm nuôi lươn thương phẩm thành công, năm 2019 anh Vương nuôi thử nghiệm 3 bồn lươn giống. Trong thời gian thử nghiệm, anh Vương cố gắng học theo những người nuôi trước, tìm hiểu thêm thông tin từ sách báo để ứng dụng vào mô hình của gia đình. Sau đợt thu hoạch lươn giống đầu tiên thành công, anh Vương mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình.
Hiện nay, gia đình anh Vương đang có 30 bồn nuôi (mỗi bồn ngang 2,5m, dài 10m) với khoảng 4.500 con lươn bố mẹ và khoảng 45.000 con lươn giống cung ứng cho các hộ nuôi lươn trong và ngoài tỉnh. Anh Vương cho biết, nuôi lươn giống không khó nhưng cũng không dễ. Để thành công, đầu tiên phải chọn lươn bố mẹ khoảng 8-10 tháng tuổi, đạt trọng lượng từ 150-200gr/con, khỏe mạnh, không bị xây xát, có thể chọn lươn nuôi hay lươn tự nhiên để nuôi vỗ cho sinh sản.
Thời gian tốt nhất để lươn sinh sản từ khoảng tháng 12 đến tháng 5 (âm lịch). Khi sinh sản, lươn làm tổ bằng cách đào hang và nhả bọt rất nhiều lên miệng hang để đẻ trứng. Trung bình mỗi lần sinh sản, lươn đẻ từ 300-700 trứng, tỷ lệ sống hơn 90%. Sau khi lươn đẻ xong có thể vớt trứng vào thau để ấp. Trong quá trình ấp trứng cần thường xuyên để hệ thống sục khí ô-xy và kiểm tra nhiệt độ, độ pH, lượng nước…
“Trung bình 15-20 ngày, tôi thu hoạch trứng lươn một lần. Sau đó, đem trứng ấp từ 5-7 ngày sẽ nở thành lươn bột. Lươn bột nuôi dưỡng khoảng 15-20 ngày sẽ đạt kích cỡ 10.000 con/kg và sau 2 tháng nuôi kích cỡ lươn giống đạt khoảng 1.000 con/kg. Từ 2019 đến nay, trung bình mỗi năm tôi bán vài trăm nghìn con lươn giống cho hộ nuôi khắp nơi trong và ngoài địa phương. Năm 2020, chỉ tính riêng việc bán lươn giống đạt khoảng 150.000 con, doanh thu hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tôi còn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng” - anh Vương chia sẻ.
Giống như anh Vương, anh Trần Văn Nét (ngụ xã Thạnh Mỹ Tây) đang nuôi 15 bồn lươn với hơn 2.200 con lươn bố mẹ và 20.000 con lươn giống. Trung bình mỗi bồn, anh thả nuôi khoảng 150 con lươn bố mẹ. Dù chỉ mới nuôi lươn giống trong 2 năm, nhưng mô hình của anh Nét mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mỗi năm, anh nuôi 5 đợt lươn giống, thu lời khoảng 50% doanh thu mỗi đợt bán.
Anh Nét chia sẻ: “Mô hình nuôi lươn giống trong bồn phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Bên cạnh đó, do không đòi hỏi diện tích lớn, có thể tận dụng đất xung quanh nhà để nuôi. Vốn đầu tư cho mô hình cũng không quá cao. Tuy nhiên, so với nuôi lươn thịt, nuôi lươn giống đòi hỏi kỹ thuật cao hơn”.
Theo anh Nét, để việc nuôi lươn giống mang lại hiệu quả, đạt chất lượng, cần phải chọn lươn bố mẹ tốt và vệ sinh bồn thật kỹ trước khi thả lươn vào nuôi. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để cho ăn, chăm sóc phù hợp. Đặc biệt, cần cho lươn bố mẹ ăn đầy đủ dưỡng chất thì trứng mới phát triển tốt. Bên cạnh đó, bệnh thường gặp ở lươn chủ yếu là đường tiêu hóa. Vì vậy, để đường tiêu hóa của lươn khỏe mạnh thì phải chia đều các cữ ăn, lươn mới có sức đề kháng mạnh. Trong quá trình nuôi, cần chú ý thay nước sau khi cho ăn để làm sạch nguồn nước, lươn ít bị bệnh. Mỗi ngày thay nước 2 lần, khi thay nước phải thực hiện nhẹ nhàng, tránh tháo hết nước làm cho lươn bị “sốc” sẽ hao hụt lươn giống.
Thời gian qua do áp dụng đúng kỹ thuật nên lươn giống do anh Nét nuôi có tỷ lệ hao hụt rất thấp. Cũng đang nuôi 14 bồn lươn với khoảng 3.000 con lươn bố mẹ, anh Trần Văn Thanh Loan (ngụ xã Thạnh Mỹ Tây) cho biết, nuôi lươn giống đòi hỏi công chăm sóc và theo dõi nguồn nước, nhằm duy trì nhiệt độ và chất lượng nguồn nước. Thức ăn cho lươn con chủ yếu là trùn chỉ cũng rất dễ kiếm tại địa phương. Nuôi lươn giống có thu nhập cao hơn so với lươn thương phẩm, do lươn thương phẩm phải nuôi từ 12-14 tháng mới bán được. Còn đối với nuôi lươn giống, từ lươn bột mới ấp chỉ cần nuôi thêm khoảng 2 tháng là đã có thu nhập. Nhờ đó mà người nuôi có thu nhập thường xuyên. Và chỉ cần sau một năm bán lươn giống là có thể lấy lại vốn đầu tư bồn và trang thiết bị nuôi.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ Tây Đặng Vũ Linh cho biết, hiện nay xã có 25 hộ nuôi lươn sinh sản với diện tích 0,9ha, tập trung 2 ấp Long Châu, Thạnh Hòa và một phần ấp Thạnh Phú, cung cấp lươn giống cho các hộ nuôi trong và ngoài địa phương. Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy và kế hoạch của UBND xã về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Hội nông dân xã đã hướng dẫn thành lập Hợp tác xã thương mại dịch vụ nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây với 19 thành viên. Đồng thời, xã cũng đã quy hoạch vùng tập trung những hộ nuôi lươn sinh sản và lươn thương phẩm ứng dụng công nghệ cao để có hướng phát triển tập trung lâu dài. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật để tiếp tục phát triển mô hình nuôi lươn trên địa bàn.
TRỌNG TÍN