Phát triển sản phẩm OCOP từ cây đinh lăng

13/10/2022 - 07:25

 - Với mong muốn cung cấp những sản phẩm tốt cho sức khỏe với giá thành hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, chị Vương Kim Đính (chủ cơ sở Vương Kim, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trà và rượu từ cây đinh lăng. Các sản phẩm của cơ sở hiện đang được thị trường đón nhận.

Nâng tầm cây dược liệu bình dân

Sau 7 năm làm thuê nơi đất khách, chị Vương Kim Đính quyết định trở về quê, mong muốn được khởi nghiệp trên quê hương của mình. Nhận thấy cây đinh lăng được nhiều hộ gia đình ở địa phương trồng, trong khi chỉ sử dụng một phần nên chị Đính mong muốn nâng tầm loại dược liệu này.

Chị Đính cho biết, nhà chị cũng trồng nhiều đinh lăng trước nhà và sau vườn. Đối với loại dược liệu này, gia đình chị thường sử dụng lá phơi khô rồi nấu nước uống. Sau khi nghiên cứu, thấy lá loại cây này tốt cho sức khỏe, chị Đính nảy ra ý định làm trà đinh lăng. “Ý tưởng ban đầu bị gia đình phản đối do loại dược liệu này được trồng khá phổ biến, sợ sản phẩm không có đầu ra. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, gia đình dần chấp thuận và ủng hộ” - chị Đính chia sẻ.

Trong nhiều loại đinh lăng được trồng phổ biến hiện nay, chị Đính ưu tiên chọn đinh lăng lá nếp bởi công dụng và chất lượng tốt. Từ rễ, củ, cành và lá đều có thể dùng làm thuốc trị bệnh, bồi bổ sức khỏe…

Chị Định cho biết, làm trà đinh lăng phải trải qua nhiều công đoạn. Đọt, lá loại dược liệu này được hái đem rửa sạch, phơi khô, sau đó sấy ở nhiệt độ và thời gian thích hợp. Ngoài đinh lăng, chị Đính còn trộn thêm xạ đen theo tỷ lệ 9:1 (10% lá xạ đen).

Sản phẩm của cơ sở Vương Kim

Cây xạ đen là một trong những loại dược liệu rất tốt, có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, các bệnh về gan, điều trị chứng mất ngủ, suy nhược thần kinh… Nguyên liệu sau khi sấy sẽ được đóng gói, dán nhãn thành phẩm. Ngoài ra, chị Đính còn sản xuất trà theo dạng túi lọc nhằm tăng trải nghiệm sử dụng của người tiêu dùng.

Trà đinh lăng của cơ sở Vương Kim tên gọi là trà sâm đinh lăng, có công dụng hỗ trợ phục hồi sinh lực, tăng sức dẻo dai, tăng tuần hoàn máu lên não; tăng sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể… với 100% từ lá đinh lăng và không có chất bảo quản.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quá trình sản xuất được kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm được bán với giá 30.000 đồng/gói 50gr đối với sản phẩm trà sấy và 60.000 đồng/gói 100gr đối với trà túi lọc.

Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình vất vả. Chị Vương Kim Đính đã đến chào hàng ở các cửa hàng tạp hóa trong và ngoài địa phương nhằm giới thiệu sản phẩm. Từ đó, cơ sở nhận được nhiều đơn hàng hơn, sản phẩm dần phát triển. Theo chị Đính, bên cạnh nỗ lực của bản thân, chị còn được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường…

Đa dạng sản phẩm

Ngoài sản xuất trà, chị Đính còn sử dụng phần rễ cây đinh lăng để ngâm rượu. Tùy theo nhu cầu của người tiêu dùng mà cơ sở cung cấp các loại rượu được ngâm từ rễ đinh lăng tươi hoặc sấy khô, độ cồn từ 40-50%. Sản phẩm rượu ngâm với tên gọi rượu sâm đinh lăng được đóng chai với kiểu dáng bắt mắt, có giá 150.000 đồng/chai 500ml.

Đặc biệt, chị Đính còn mài mò, chạm khắc, tạo hình rễ đinh lăng thành những sản phẩm độc đáo, như: Hình tượng Phúc - Lộc - Thọ, thuận buồm xuôi gió, long phụng... sau đó đem đi ngâm rượu. Các sản phẩm chạm khắc thường có giá khá cao, từ 3 triệu đồng/bình, nhưng được người tiêu dùng thích thú, lựa chọn để làm quà tặng bạn bè, người thân trong dịp lễ, Tết…

Bên cạnh thị trường An Giang, các sản phẩm từ cây định lăng của cơ sở Vương Kim đã có mặt ở tỉnh Kiên Giang, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… với doanh thu từ 120-130 triệu đồng/năm. Để có nguồn nguyên liệu ổn định và lâu dài, ngoài trồng ở vườn, chị Đính còn chủ động liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu.

Hiện nay, đã có 7 nông dân tham gia trồng đinh lăng với diện tích khoảng 8ha, giúp việc sản xuất - kinh doanh của cơ sở được duy trì ổn định. Cơ sở còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương, với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Mới đây, sản phẩm trà sâm đinh lăng và rượu sâm đinh lăng của cơ sở Vương Kim đã được thẩm định đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đây là sự động viên, khích lệ cho những cố gắng của chị Vương Kim Đính, tạo động lực để chị tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới từ cây đinh lăng, trước mắt là sản phẩm gối và túi thơm dành cho trẻ em. Đồng thời, tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị để phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh trên thị trường.

ĐỨC TOÀN