Phát triển võ cổ truyền ở xứ cù lao

08/10/2019 - 17:48

 - Hình thành và phát triển ở cù lao sông nước Phú Tân cách đây hơn 3 năm, phong trào tập luyện võ cổ truyền đang phát triển khá tốt. Hiện nay, nhiều điểm trường trên địa bàn huyện đang cố gắng đưa bộ môn võ dân tộc này đến với các em học sinh.

Phong trào võ cổ truyền ở Phú Tân thu được kết quả bước đầu

Thầy Nguyễn Ngọc Đặng, giáo viên Trường THCS - THPT Phú Tân, được xem là người “tiên phong” trong việc đưa võ cổ truyền vào nhà trường ở xứ cù lao. Được ngành chuyên môn tạo điều kiện tiếp cận với võ cổ truyền, thầy Đặng đã nỗ lực học hỏi để có thể phát triển môn võ dân tộc tại nơi mình công tác. Thầy Đặng thông tin: “Xác định mục tiêu là phải đưa bộ môn võ của dân tộc đến với các em học sinh, ngay khi hoàn thành khóa tập huấn, tôi đã nhanh chóng áp dụng cho tất cả các khối lớp trong nhà trường. Thực tế, võ cổ truyền được xem như phân môn tự chọn của môn thể dục và được các em đón nhận khá tích cực. Đến nay, bộ môn này phát triển khá tốt, với số lượng học sinh tiếp cận ngày càng đông”.

Hiện nay, thầy Đặng đã thành lập 2 câu lạc bộ võ cổ truyền tại thị trấn Phú Mỹ và xã Phú Thọ nhằm nhân rộng phong trào. Các câu lạc bộ võ cổ truyền này hoạt động đều đặn, với khoảng 70-80 thành viên tham gia luyện tập mỗi ngày. Thầy Nguyễn Ngọc Đặng cho biết, học viên chủ yếu được huấn luyện các tư thế phòng vệ để đảm bảo an toàn trước kẻ xấu và luôn đề cao “võ đức”. Đồng thời, đây còn là sân chơi bổ ích, giúp các em học sinh rèn luyện sức khỏe. Đối với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy Đặng miễn học phí nhằm tạo điều kiện để các em đến với võ cổ truyền. Đa số phụ huynh đều ủng hộ con em tham gia các lớp võ để tự vệ chính đáng và để cải thiện sức khỏe.

Với những kết quả bước đầu, thầy Nguyễn Ngọc Đặng đang hỗ trợ giáo viên thể dục các trường khác đưa võ cổ truyền trở thành phân môn của bộ môn thể dục. “Thời điểm này, tôi đã kết nối với anh em giáo viên các Trường THCS-THPT Bình Thạnh Đông, THCS Phú An, THCS Hiệp Xương… để đưa võ cổ truyền đến với các em học sinh. Hoạt động này nằm trong mục tiêu đưa võ cổ truyền vào trường học và để nhân rộng phong trào hơn nữa. Không như các môn võ khác, võ cổ truyền chỉ mới phát triển ở cù lao Phú Tân nên rất cần được giới thiệu rộng rãi đến giới trẻ, để mọi người hiểu rõ hơn về tinh hoa võ thuật của dân tộc”.

Dù chỉ mới phát triển phong trào được vài năm nhưng thầy Nguyễn Ngọc Đặng cũng thu được những kết quả khả quan. Tại Giải võ cổ truyền học sinh tỉnh An Giang năm 2018-2019, thầy Đặng cùng các vận động viên (VĐV) của mình đã mang về 2 huy chương bạc, 4 huy chương đồng cho đơn vị Phú Tân. Đó là động lực để thầy Đặng cùng ngành thể thao huyện Phú Tân tiếp tục phát triển võ cổ truyền theo hướng nâng cao chất lượng và đầu tư chiều sâu.

“Kết quả thu được rất đáng mừng nhưng tôi cần tiếp tục đầu tư phát triển các lứa VĐV tốt cho địa phương. Có thể, tôi sẽ chăm lo phát triển lứa VĐV trẻ theo kiểu “đường dài”, tức là cho các em thi đấu cọ xát ở nhiều giải võ thuật mà không đặt nặng thành tích. Khi các em đã đủ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thi đấu sẽ trở thành lứa VĐV chủ lực sau này. Với những trường hợp đặc biệt nổi trội, tôi sẽ giới thiệu các em về tỉnh để phát triển tài năng”- thầy Nguyễn Ngọc Đặng chia sẻ.

Dù chỉ mới hình thành trong thời gian ngắn, nhưng phong trào võ cổ truyền ở xứ cù lao Phú Tân đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Do đó, cần có sự hỗ trợ, quan tâm của địa phương, ngành chuyên môn cũng như các điểm trường để đưa võ cổ truyền đến gần hơn với các em học sinh.

THANH TIẾN