Phiên tòa đặc biệt

24/10/2022 - 07:04

 - Sau khi nhậu cùng Trần Hải Đông (sinh năm 1994), Nguyễn Văn Phương (Tý câm, sinh năm 1986, cùng ngụ phường Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã dùng khúc gỗ gây thương tích nặng cho Đông. Một phiên tòa đặc biệt diễn ra, bởi bị cáo phải nhờ một người có chuyên môn “phiên dịch”.

Phương trở thành đối tượng nguy hiểm cho xã hội, với 6 tiền án về hành vi “Cướp giật tài sản”, “Trộm cắp tài sản”, “Cố ý gây thương tích”, bị tòa án kết án ở mức độ “tái phạm, tái phạm nguy hiểm”. Mọi người xung quanh phải dè chừng khi Phương xuất hiện. Lần phạm tội gần nhất của Phương vào giữa tháng 9/2019, chấp hành án xong giữa tháng 10/2021, vẫn chưa được xóa án tích.

Tối 3/11/2021, Đông rủ Phương đến căn chòi của Đông (tại tổ 9, khóm Vĩnh Đông) cùng uống rượu. Khoảng 4 giờ sau, Đông nghỉ nhậu, lên võng nằm ngủ. Tức giận vì đang nhậu mà Đông bỏ đi ngủ, Phương lấy 1 khúc gỗ (kích thước khoảng 1,3m x 13cm) phía dưới gầm giường, đến chỗ Đông đang nằm, đánh xuống mặt Đông. Cú đánh mạnh đến mức khúc gỗ gãy làm 3 đoạn, rớt trên giường.

Bị đánh quá bất ngờ, Đông ngồi dậy thì bị té từ trên võng xuống giường. Khi Đông vừa ngước mặt lên, Phương tiếp tục nhặt 1 đoạn gỗ bị gãy (dài khoảng 20cm) đâm liên tiếp 2 cái vào mặt Đông. Vẫn không thể nào kháng cự lại những cú đánh chí mạng, Đông gắng gượng ngồi dậy thì bị té từ trên giường xuống mặt đường bê-tông.

Bị cáo Phương theo dõi các diễn tả của người phiên dịch

Thấy mặt Đông chảy nhiều máu, Phương đi đến nhà Đông (đối diện căn chòi) báo cho người thân Đông biết để đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh cấp cứu. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do tất cả các thương tích gây nên cho Đông là 36%, cùng nhiều vết sẹo trên mặt. Ngày 4/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Châu Đốc khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phương để tiếp tục điều tra, xử lý.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa xét xử trực tuyến, thông qua người phiên dịch cho người khuyết tật câm, bị cáo Phương xác nhận nội dung khai báo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ hồ sơ vụ án. Bị cáo cho biết, mình không mâu thuẫn gì với Đông. Nhưng bạn nhậu rủ uống rượu rồi tự ý bỏ đi ngủ, nên bị cáo bực tức lấy khúc gỗ gây thương tích. Do nhận thức hạn chế của bị cáo đối với các từ ngữ, thuật ngữ pháp luật, nhiều lúc, người phiên dịch phải diễn tả vài lần, rất chậm rãi để Phương hiểu kịp.

Sau khi bị cáo thừa nhận toàn bộ việc làm sai trái của mình, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi này mang tính chất rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của con người được pháp luật bảo vệ. Do bị cáo gặp khó khăn trong giao tiếp, tình tiết phạm tội khá đơn giản, nên phiên tòa kết thúc nhanh gọn.

Qua xem xét từng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án, cùng việc bị cáo chưa được xóa án tích, tái phạm nguy hiểm và có tính chất côn đồ, Tòa án nhân dân TP. Châu Đốc quyết định xử phạt bị cáo Phương 5,5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại Điểm c (gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%...), Khoản 3 (bị phạt tù từ 5-10 năm) Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật, trên phương diện xã hội, Phương là người khuyết tật, nhưng về mặt tố tụng hình sự thì không. Có thể nhận thức pháp luật của bị cáo bị hạn chế, nhưng đây không phải là trường hợp bị hạn chế về mặt thần kinh dẫn đến không điều khiển được hành vi của mình. Khi xét xử, tòa án chỉ có thể coi đây là trường hợp có nhược điểm về thể chất để giảm nhẹ một phần hình phạt.

NGUYỄN HƯNG