Phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng

27/11/2023 - 06:19

 - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy vừa ký công văn yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phải chủ động, kịp thời chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trước mắt, lâu dài, giải pháp công trình, phi công trình một cách linh hoạt, hiệu quả để phòng chống, giảm thiệt hại do sụt lún đất, sạt lở, ngập úng.

Thời gian qua, tình hình sạt lở, sụt lún, ngập úng trên địa bàn tỉnh gây nhiều thiệt hại về đất đai, tài sản của người dân. Theo Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 88 vụ sạt lở, răn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài 4.193m, ảnh hưởng 95 căn nhà; 2 kho trấu, 2 lò sấy, 1 nhà máy của doanh nghiệp xay xát lúa gạo ở TX. Tân Châu, 1 xí nghiệp chế biến lương thực xuất khẩu ở Hòa Bình - Hòa Lộc (huyện Chợ Mới), 4 nhà kho trên địa bàn huyện Châu Phú. Ước thiệt hại về đất hơn 8,4 tỷ đồng. Ngoài ra, xảy ra 2 vụ sạt lở đá núi trên địa bàn huyện Thoại Sơn và TX. Tịnh Biên.

Gia cố sạt lở bờ Đông sông Hậu (thuộc ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú)

Trước thiệt hại và nguy cơ thiệt hại do sụt lún, sạt lở và ngập úng, đồng thời thực hiện hiệu quả nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời theo dõi, giám sát, cảnh báo cho người dân tại các khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở, ngập úng. UBND huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)… chủ động tổ chức di dời ngay các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của người dân; thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ dân ở khu vực bị sạt lở ổn định đời sống.

UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng tiếp tục xử lý sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, sạt lở đá núi, tập trung xử lý sớm các khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu, quan trọng.

Về lâu dài, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung làm tốt công tác quy hoạch, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, chủ động đầu tư các dự án đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng. Đối với những nơi có điều kiện phù hợp, cần nghiên cứu các dự án mang tính chiến lược, như: Xây dựng đê sông vừa kết hợp làm đường giao thông, ngăn chặn sạt lở, phát triển quỹ đất.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi, giám sát sụt lún, sạt lở, ngập úng; nghiên cứu đánh giá đầy đủ, khoa học về nguyên nhân, xác định các giải pháp phù hợp đối với từng khu vực cụ thể, bảo đảm hiệu quả, bền vững. UBND huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa, không để xây dựng sát ven sông, kênh, rạch, làm tăng rủi ro thiên tai, tăng nguy cơ sạt lở; chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư, di dời các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở tới nơi an toàn; quản lý chặt chẽ việc khai thác cát trên sông, ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép; có lộ trình để hạn chế, tiến tới kiểm soát việc khai thác nước ngầm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu các địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún, ngập úng để có phương án, kế hoạch, dự án chủ động phòng, chống từ sớm, từ khi chưa xảy ra, từng bước khắc phục tình trạng bị động, bất ngờ phải ứng phó. Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; tổng kết, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn để nhân rộng các mô hình, giải pháp công nghệ hiệu quả, vật liệu phù hợp nhằm phòng, chống sạt lở, sụt lún, ngập úng kịp thời, hiệu quả. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, tập trung huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư các dự án phòng chống, khắc phục sụt lún, sạt lở, ngập úng…

HỮU HUYNH