Phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản

07/08/2020 - 05:30

 - Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT), hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Hành vi lừa đảo trên mạng xã hội

Những năm gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp. Tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web. Sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại. Người phạm tội thường giấu hoặc cung cấp sai thông tin làm bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm. Thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, với nhiều phương thức, như: lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông với diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Ảnh: internet

Đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn, như: giả danh, liên kết với các đối tượng người nước ngoài làm quen với bị hại qua mạng xã hội, giả vờ yêu đương, hứa hẹn gửi tiền, quà có giá trị cao hoặc giả danh cán bộ thực thi pháp luật (công an, viện kiểm sát…) yêu cầu bị hại nộp tiền vào các tài khoản để đóng thuế, phí hoặc kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; giả danh đài phát thanh - truyền hình thông báo trúng thưởng; kêu gọi đầu tư vào các công ty, chương trình, các quỹ, mua bán hàng hóa qua mạng, đầu tư đa cấp, tiền ảo, chơi hụi… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những hoạt động lừa đảo nêu trên gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, đời sống nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do hệ thống bảo mật thông tin khách hàng của các mạng bưu chính - viễn thông và hệ thống ngân hàng chưa đảm bảo, dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động phạm tội. Mặt khác, do công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa sâu rộng, người dân chưa được tiếp cận kịp thời đầy đủ, chính xác thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, sản xuất - kinh doanh...

Tăng cường phòng ngừa, xử lý

Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đảm bảo ANTT trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21 ngày 25-5-2020 về phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Kết luận số 05 ngày 15-7-2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Kết luận số 44 ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong sở hữu tài sản.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong đội ngũ về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quy hoạch xây dựng; thông báo công khai về các hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng...

Tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản…

P.V