Những chú chim bé lích rích đủ màu sắc xuôi về phố trong những buổi ban mai tinh khôi ấy sao thật buồn. Những âm thanh xao xác, ri rít của những chú chim non đập cánh trong sương sớm. Tiếng đập cánh nghe loạn xạ, ngắn ngủn xé tan không gian còn ngái ngủ của đường phố Hà Nội trong bình minh ngày mới, khiến người đi đường ngang qua không khỏi giật mình gợn lên bao suy ngẫm.
Những âm thanh nhỏ bé nhưng chứa đầy âu lo sợ hãi. Những âm thanh phát ra từ lũ chim náo loạn kia cho ta cảm giác thật bất an trong một buổi sớm mai lẽ ra tinh khôi và yên bình. Bởi tiếng kêu của nó không phải là tiếng hót vang vọng giữa trời xanh, không phải là bài hát về tự do của một thiên thần đang sải cánh giữa đại ngàn.
Bạn đã bao giờ đi thật chậm hoặc dừng lại để nghe những âm thanh đầy ẩn ức của lũ chim trong chiếc lồng chật hẹp đang đập cánh hoảng loạn kia. Và những chú chim bé nhỏ kia chắc hẳn đã quen với vài ngày bị nhốt giờ đã khản giọng không còn hót lên thất thanh nhớ bầu trời như lúc vừa mới bị bắt nhốt vào đây.
Không biết chúng có bao giờ nhận ra rằng chỉ cần đứng yên lặng, đừng cố sức vẫy vùng vì đằng nào thì chúng cũng sẽ được thả để trở về bầu trời. Chũng có bao giờ biết rằng chúng bị truy lùng, săn bắt để được sống chứ không phải săn bắt để phải chết.
Chầm chậm, những chiếc xe chim đã kịp đậu lại bên đường đoạn phố Lê Duẩn ngay trước cổng công viên Thống nhất... Mỗi lần chạy xe sớm trên đường đi làm qua đây, tôi vẫn thường đi thật gần thật chậm để ngắm những chú chim bé tí xíu ấy. Nhiều nhất là chim sâu, chim sẻ, chim ri, những chú chim ít được nhớ tên, bé tẹo chỉ nhỉnh hơn quả chanh còi với bộ lông màu nâu sậm, màu vàng mơ, xơ xác vì sợ hãi vì chật hẹp vì mãi đập cánh tuyệt vọng tìm bầu trời...
Tiếng đập cánh của lũ chim trong lồng, và tiếng kêu ri rít thất thanh của lũ chim ám ảnh tôi suốt cả quãng đường tới cơ quan, và lấy đi của tôi những cảm giác thơi thới thanh bình mỗi sớm mai thức dậy. Nó neo vào lòng tôi một cảm giác khó tả trong những buổi sáng bước ra đường phố với dòng người hối hả chen chúc nhau và nhìn ai cũng như đang mang một gương mặt đầy "stress".
Những gương mặt căng như thể chỉ cần một chạm khắc thôi là có thể bùng bùng lửa giận của những va chạm phố phường. Có bao giờ ai đó trong tất thảy chúng ta tự hỏi, hãy mang một nụ cười trên gương mặt khi xuống phố để giảm đi những căng thẳng có thể xảy ra.
Chim quằn quại, giãy giụa, bị bỏ đói trong lồng chật hẹp. Ảnh: Đình Thảo.
Trở lại với những chiếc xe thồ hoa và chim đứng hai ven đường. Những người bán chim đang đợi khách hàng là người "từ tâm" đến mua hết những chú chim này để thả chúng về bầu trời trong nghi lễ phóng sinh quan trọng của họ. Những người bán chim nghĩ đến hạnh phúc trong giây phút ấy, tiền được trao và những chú chim của họ lát nữa thôi sẽ lại trở về bầu trời nơi thuộc về nó.
Vậy lễ "Phóng sinh" là gì? Trong đời tôi, không biết đã từng bao nhiêu lần dự những đại lễ phóng sinh. Và cũng không biết bao nhiêu lần tôi từng là chủ nhân của những lễ phóng sinh của riêng mình.
Khái niệm "Phóng sinh" (Tsethar) được hiểu là một hành động và nghi lễ truyền thống của Phật giáo chỉ về cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống. Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là cứu mạng người, kéo dài sự sống của họ hay sinh vật nào đó. Chuyện phóng sinh là thể hiện tâm từ bi của người thực hiện.
Trong đạo Phật phát triển sau này, phóng sinh chỉ là một phương tiện để tu tập. Về mặt hình thức, phóng sinh có nghĩa là mình đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, hơn thua và thù hận ra khỏi con người mình để mình được tự do thoải mái, tự nhiên cuộc sống sẽ trở nên bình yên.
Còn mình để những cái tâm đó trong lòng thì những người gần mình cũng sinh ra thù hận, tạo ra cho họ sự thù hận. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh trong đạo Phật là như vậy. Trong đạo Phật, nghi thức này là ví dụ điển hình về giáo pháp căn bản của Phật giáo là từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Một con chim sau khi bị phóng sinh bị rơi xuống hồ nước cố vùng vẫy để thoát chết do một bên cánh đã bị cắt không bay cao bay xa được.
Căn cứ vào ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh mà vào những dịp Tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy hay những dịp cầu nguyện cho bản thân hay gia quyến, người ta hay tổ chức phóng sinh chim, cá, rùa để mang phúc lành đến cho gia đình người thân của mình.
Phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng từ bi bình đẳng, mục đích phóng sinh là để đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh (con vật) trước khi phóng sinh. Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng, việc làm tốt trong Đạo Phật, thể hiện lòng Đại từ Đại bi nên trong nghi thức phóng sinh có lễ quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh.
Thực tế là nhà chùa vẫn thực hiện nghi lễ phóng sinh thường xuyên, và bản thân chúng ta cũng đang đã từng thực hiện những nghi lễ phóng sinh của riêng mình. Vòng luân hồi của việc săn bắt, mua về, phóng thả trong nghi lễ phóng sinh đã gieo vào lòng tôi không ít suy ngẫm. Con người ta học giáo lý nhà Phật không đầy đủ, không tinh tế, không triết học, rất có thể cuối cùng chỉ chuốc về mình vòng mâu thuẫn luẩn quẩn không có lối ra của chính mình.
Tôi không hiểu sâu sắc về đạo Phật nên không dám lạm bàn đến con đường và hành trình tu tập để chạm tới chân - thiện - ngã. Tôi chỉ nói lên những suy nghĩ của mình. Rằng những người thực hành tu tập, hay tất cả những ai từng tổ chức các lễ phóng sinh để lấy phước không biết họ đã bao giờ nghĩ đến vòng tròn tối nghĩa của việc thực hành nghi lễ phóng sinh.
Hành trình đó là săn bắt chim, cá, rùa, bán - thu lợi, bỏ tiền mua về rồi phóng thả, coi như mình đã xả được nghiệp nợ, tu tập để đạt đến từ bi, và kế nữa là làm được việc thiện cho đời?
Hàng trăm chú chim đang xao xác trong lồng chim trên phố Lê Duẩn, hay phố Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân Hà Nội với đầy đủ các loại chim từ bình dân đến cao sang quý hiếm như bồ câu, khuyên, chào mào, chích chòe, sáo, vẹt, yểng… có nhiều loại quý hiếm như: hỏa tiễn, quế lâm, khướu… được bày bán la liệt, công khai ắt hẳn cho ta hình dung được quá trình truy lùng và săn bắt chúng để đưa về đây khó khăn như thế nào.
Phần lớn các loài chim quý là chim bẫy được ở các cánh rừng từ khắp nơi như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Những chú chim trời bị săn bắt được đổ dồn về cho Hà Nội từ khắp các nẻo đường của các tay thợ săn chim đã gieo vào lòng tôi một câu hỏi day dứt mãi về việc có nên duy trì lễ phóng sinh không? Và nên duy trì thế nào cho đúng, cho khỏi luẩn quẩn mà vô tình tạo nghiệp.
Chưa nói đến việc có những chú chim trong đời sống ngắn ngủi của mình không chừng dăm ba bận từng bị truy bắt, rồi từng được phóng sinh và lại tiếp truy bắt. Cuộc đời của chim không phải là một chuỗi ngày ác mộng kinh hoàng trong cuộc lùng riết của số phận đó sao. Thử hỏi trong vòng quay mệt mỏi và nghiệt ngã của quy trình săn lùng, bắt, và thả ấy, có mấy chú chim đủ sức khỏe, đủ dũng mãnh thoát được cái chết để mà dang đôi cánh tự do trước bầu trời.
Chưa kể đến phần lớn các loại chim quý khó săn lùng như khuyên, chào mào, chích chòe, sáo, vẹt, yểng, hỏa tiễn, quế lâm, khướu... giá thành của chúng rất đắt vì khó săn bắt thế nên chủ bán chim đã nghĩ cách cắt một bên cánh của chim để khi phóng sinh chim không thể trở về với bầu trời trên đôi cánh khỏe mạnh nữa mà lại tiếp tục rơi vào bẫy săn bắt của người săn chim.
Phóng sinh xong chúng chỉ bay được đoạn ngắn, bay thấp và ngã xuống ao hồ rồi cuối cùng là chết chìm vì kiệt sức. Số phận của chúng sau nghi lễ mang tên "phóng sinh" đã kết thúc giúp loài chim tất cả những ác mộng được gọi là "từ bi" do con người tạo ra.
Thế nên, có nhiều lúc tôi tự hỏi phóng sinh là một nghi lễ thiện tâm hay là một nghi lễ khởi đầu cho nghiệp ác. Phóng sinh thiếu hiểu biết, tội sẽ nhiều hơn phúc. Còn nhớ vụ phóng sinh rùa tai đỏ, hay ốc bươu vàng, hay vụ phóng sinh ghê rợn nhất của một người phụ nữ khi thả hàng trăm con rắn vào khu rừng ngoại ô một thành phố ở Trung Quốc khiến người dân buộc phải ra tay giết rắn để trừ hậu họa.
Phóng sinh sai cách còn hủy hoại môi trường sống, là tác nhân phát tán của các loài xâm lấn vào môi trường đe dọa tới an nguy của con người.
Ở Việt Nam, năm 2017, mạng, báo chí truyền thông tốn bao giấy mực bởi vụ một thượng tọa chủ trì lễ phóng sinh gần 10 tấn cá trong đó nhiều nhất là cá Chim trắng, và có cả cá Hoàng Đế tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, Hà Nội vào ngày 5-2-2017.
Trong khi đó các nhà nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ loài cá ăn thịt gây mất cân bằng sinh thái chính là Chim trắng và cá Hoàng Đế. Một số địa phương đã tốn bao nhiêu tiền của tiêu diệt hai loại cá này để đảm bảo cân bằng sinh thái trong môi trường.
Phật ở tự tâm, tu tập bắt đầu từ tâm, phóng sinh cũng phải bắt đầu từ tâm, trước tiên hãy phóng sinh những u tối trong tâm hồn mình, phóng sinh những quan niệm cổ hũ lạc hậu, giải thoát những ý niệm tối nghĩa hơn là con người cứ lao đầu vào vòng quay luẩn quẩn tạo ác rồi diệt ác. Tâm từ bi chính là biết thoát ra khỏi những mặc định cũ kỹ. Khi tâm được giải thoát thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Xin được kết thúc bài viết nhỏ này bằng câu chuyện của mẹ tôi. Khi cha tôi mất, gia đình tôi may mắn tự nhiên mà gặp được đạo tràng lớn và vị chân sư đến phát tâm tụng kinh và làm tất cả tang ma cho cha. Mẹ tôi lúc đó đã già nhưng còn rất minh mẫn.
Mẹ tôi hoan hỉ lắm, cả đời chưa bước chân lên chùa, không biết Phật là gì nhưng cũng khoác áo lam ngồi bên giường của cha tôi hộ niệm cho chồng. Cả nhà tôi ai cũng sung sướng vì nghĩ chắc cha có duyên lắm khi mất được kết duyên với Phật.
Tang cha xong, chúng tôi hỏi mẹ khi nào mẹ tạ thế, các con mời vị chân sư và đạo tràng lớn thế này để hộ niệm và làm lễ quy y cho mẹ về bên kia mẹ đi Chùa được không?
Mẹ cười nhẹ và bảo chúng tôi: Đừng cúng Phật cho mẹ. Cứ làm theo nghi lễ Thọ Mai. Phật ở tại tâm các con ạ. Bản thân cuộc sống của mẹ từ trước đến nay đã có Phật tự tại rồi. Tự khắc khi mẹ mất Phật sẽ tới rước mẹ đi mà không cần các con phải vất vả kiến tạo.
Tất cả chúng tôi lặng người đi...
Theo Công an nhân dân