Phong vị báo xuân xưa: Bài vở trên giai phẩm xuân

06/02/2018 - 08:48

Các giai phẩm xuân ở miền Nam từ khoảng giữa thế kỷ 20 đến sau này, thường thấy bài bản tổ chức nội dung na ná nhau, với các mục như Thơ ông Táo, xuân con gì kể chuyện con đó, trang thiếu nhi, tử vi cả năm... Phần văn nghệ, nhất thiết phải có kể chuyện ăn tết khắp nơi.

Bài tết đặc sắc trên báo xuân thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 thường là chuyện “Tết khổ sở”, trong đó kể những trải nghiệm ăn tết trong tù: hết ăn tết trong khám Chí Hòa, ở Côn Đảo lại ăn tết ở khám lớn Sài Gòn, ở Hỏa lò Hà Nội. Ăn tết trong tù chưa đủ, đến chuyện ăn tết với người Thượng trên cao nguyên, ăn tết kháng chiến trong rừng

Phong vị báo xuân xưa: Bài vở trên giai phẩm xuân

Bìa báo giai phẩm Xuân báo Sóng Thần 1973 với chuyên đề “Chung sống” giật ra ngoài bìa

U Minh… Kiểu bài thứ hai là bài “xông đất”. Hết xông đất các tòa soạn báo, rồi lại xông đất các nghệ sĩ với những dự định diễn xuất trong và sau tết. Có báo như Đời Mới thì quan tâm đến người nghèo, đi hỏi chuyện người nghèo ăn tết, hỏi từ viên công chức ở Bàn Cờ đến anh thợ hớt tóc ở Phú Nhuận. Đặc biệt, các báo xuân miền Nam rất chuộng đăng bài giai thoại về nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nhất là về nhà thơ Tản Đà. Đại thi sĩ này rất được yêu quý nên chỉ trong thời gian ngắn ông vào Gia Định viết cho báo Thần Chung và Đông Pháp Thời Báo cũng đủ nảy sinh những chuyện thú vị về ông đăng dài dài trên một số tờ báo xuân sau này. Bên cạnh đó còn có các giai thoại về các nhà thơ, nhà văn khác như Phan Khôi, Nguyễn Bính, Hồng Tiêu, Bùi Thế Mỹ, Lê Văn Trương...

Phong vị báo xuân xưa: Bài vở trên giai phẩm xuân

Minh họa bài Đêm 30 tết - thi sĩ biến thành du côn vào bót ăn tết của Bang Gia (báo xuân Đời Mới 1955)

Báo xuân thường có những bài tổng kết có giá trị, như Nhìn về văn chương VN trong năm 1969 (Nguyễn Nhật Duật - Khởi Hành 1970), Làng báo Sài Gòn 21 năm về trước - Trần Tấn Quốc (báo Hương Xuân, năm Đinh Dậu 1957)... Hoặc có những bài báo chỉ đọc tựa là thấy hấp dẫn như: bài Toàn quyền Decoux vác bạc Mỹ của quân đội Pháp đã vứt bỏ xuống sông Kỳ Kùng (Lạng Sơn) hồi Tết 1885 của A Mi, báo Việt Thanh số xuân 1952; bài Ngày xuân nghe chim hót hay là đi xem những cô Thanh Nga tập sự của Sơn Nam (Tin Sớm - xuân Bính Ngọ 1966); bài Một đêm 30 tết rùng rợn, chuyện có thật xảy ra năm 1928 của Nhã Hiền (Thời Cuộc - Canh Dần 1950); bài Người Việt miền Nam có lắm tật xấu đáng yêu của Sơn Nam (Thời Nay - Kỷ Dậu 1969).

Đặc biệt, có những tờ báo làm khá bài bản một tờ báo xuân tập trung chuyên đề riêng. Ví dụ: giai phẩm Xuân báo Sóng Thần số xuân 1973 làm chuyên đề Chung sống, trong đó, hầu hết bài vở xoay quanh câu chuyện những đối tượng khác nhau, đối lập nhau, đặt vấn đề liệu họ có thể chung sống yên bình, hài hòa với nhau không. Đề tài cho chủ đề này khá đa dạng, như “Nghệ sĩ và chung sống”, “Thế giới sắp chung sống và hòa bình”, “Cuộc trao đổi sinh hoạt nghệ thuật cải lương Bắc Nam hồi tiền chiến”... và những bài báo về triển vọng kinh tế và viện trợ cả hai miền sau khi chiến tranh chấm dứt, chuyện sống chung của hai mẹ con, hai thế hệ cách xa với hai cách nghĩ khác nhau. Giai phẩm Đuốc Nhà Nam số xuân 1971 chuyên đề đặc biệt Tiền được coi là “công trình sưu khảo” có các bài viết khá hấp dẫn từ các ký ức thời xa xưa về đồng tiền Đông Dương, chuyện đồng tiền những năm Đại khủng hoảng kinh tế 1929 -1933 đến giá trị đồng bạc đương thời. Chuyên đề về kinh tế Hoa Kỳ trên giai phẩm Thần Chung của báo Đại Dân Tộc năm 1975 chiếm 70% số trang báo. Trên giai phẩm Thời nay xuân Bính Ngọ năm 1966, phụ trang đặc biệt “100 năm báo chí VN” có nhiều bài hay như Lịch trình tiến hóa, Tiếng Việt qua 100 năm báo chí, 50 năm làng báo đất Thần kinh, Giở chồng báo cũ, Gia Định báo, Bút chiến, hí họa. Các chuyên đề trên báo xuân là nguồn tư liệu tham khảo rất đáng quý cho người viết thế hệ sau.

Theo Thanh Niên