Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo

13/11/2023 - 18:47

 - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp với các hoạt động thiết thực, góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong phụ nữ. Qua đó, góp phần giúp hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến cho biết, các cấp hội LHPN trong tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ người dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, thông qua việc tư vấn, định hướng, tập huấn, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi về lãi suất để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, với nhiều giải pháp thiết thực, thu hút sự tham gia của các chị em phụ nữ.

Cụ thể, như: Truyền thông, hỗ trợ phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; thành lập các tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết kinh doanh; đào tạo cung cấp kiến thức về các kỹ năng trong kinh doanh; hỗ trợ kết nối thị trường; giới thiệu các nguồn vốn phù hợp để phát triển kinh tế... Qua đó, đã có nhiều cá nhân tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp do hội LHPN các cấp phát động.

Tham quan các gian hàng tại Ngày hội Phụ nữ An Giang khởi nghiệp

Hội LHPN các cấp trong tỉnh quan tâm tạo điều kiện cho nhiều hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo có nhu cầu về vốn được tiếp cận, nhất là nguồn vốn tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, nhận ủy thác 19 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, với dư nợ trên 1.310 tỷ đồng.

Hội LHPN tỉnh An Giang đã vận dụng vốn của các tổ chức tín dụng, vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã hỗ trợ cho hội viên vay với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất, để chị em phụ nữ có vốn đầu tư sản xuất, mua bán nhỏ, trồng trọt, chăn nuôi... Qua đó, hơn 3.750 lượt chị em được tiếp cận, với nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, duy trì hoạt động 12 hợp tác xã (HTX) và 66 tổ hợp tác (THT) do phụ nữ quản lý, điều hành có gần 1.700 thành viên, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Nhiều mô hình sinh kế hoạt động hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ, như: “Tổ phụ nữ đan thảm lục bình” (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn), “Tổ phụ nữ may gia công” (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên), “Tổ phụ nữ đan đệm bàng” (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn), “Tổ phụ nữ đan giỏ ny-lon” (xã Long Giang, Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), “Tổ chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học” (xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn), “Tổ phụ nữ trồng bông điên điển” (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú), “Tổ phụ nữ sản xuất cá khô” (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú)...

Hàng năm, hội LHPN các cấp đã tổ chức các cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” nhằm tìm kiếm, lựa chọn, trao giải và hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, HTX/THT, doanh nghiệp, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ, với mục tiêu gìn giữ và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, tri thức và công nghệ của địa phương. Ngoài đối tượng chung, cuộc thi ưu tiên khuyến khích phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn; phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; phụ nữ khuyết tật; phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng…

Năm 2023, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam và các đơn vị trong, ngoài tỉnh tổ chức. Kết quả, đã tiếp nhận và giới thiệu hơn 60 ý tưởng, dự án tham gia các cuộc thi. Trong đó, cũng có nhiều ý tưởng, dự án xuất sắc được lọt vào vòng bán kết, chung kết của các cuộc thi. “Qua các cuộc thi khởi nghiệp, giúp chị em phụ nữ được giao lưu, học tập, nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác. Từ đó, giúp ý tưởng, dự án của các chị em được hoàn thiện và ngày càng phát triển” - chị Nguyễn Thị Quyến chia sẻ.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thoại Sơn Dương Triết Minh cho biết: “Hàng năm, Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều chủ động xây dựng kế hoạch giúp đỡ chị em phụ nữ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp hoàn cảnh từng người. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, với nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện đã hỗ trợ 45 phụ nữ khởi nghiệp, với các sản phẩm: Bưởi da xanh, ổi ruột đỏ, vú sữa hoàng kim, trà sâm đinh lăng, giỏ xách, nước mắm, khô, bánh dân gian các loại…”.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh An Giang tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, hỗ trợ, giúp nhau giảm nghèo bền vững; duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; phối hợp ngành chức năng tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn.

Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy, phát huy vai trò làm chủ, nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh. Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực, gắn kết hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy các hoạt động kết nối đầu tư, giới thiệu quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, mô hình khởi nghiệp của phụ nữ…

“Khởi nghiệp là một trong những giải pháp thiết thực nhất để Hội LHPN và các cấp, ngành hỗ trợ phụ nữ không chỉ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, mà còn phát triển kinh tế bền vững, vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển của địa phương” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến nhấn mạnh.

 

TRUNG HIẾU