Phụ nữ ơi, xin đừng cam chịu!

20/10/2018 - 08:31

Tâm lý phụ nữ Việt là giàu tình cảm, sống cho gia đình, dễ tha thứ nhưng tha thứ và thỏa hiệp không phải là giải pháp để đối mặt và giải quyết triệt để bạo lực gia đình.

ThS tâm lý Phạm Thị Thúy (giảng viên đại học, chuyên gia tư vấn tâm lý) cho biết phần lớn những phụ nữ đến tham vấn gặp phải những vấn đề liên quan đến sự bất bình đẳng giới trong gia đình. Họ khó chịu, ấm ức, mệt mỏi nhưng không có giải pháp đúng đắn để thay đổi. Nhiều chị em “vùng lên” để đòi quyền được tôn trọng trong gia đình. Nhưng họ cũng rất dễ dàng thỏa hiệp và dung dưỡng nhiều thói xấu bắt nguồn từ tư tưởng bất bình đẳng trong chính suy nghĩ của họ.

Phụ nữ quá dễ thỏa hiệp

Một chị tên A. đến tham vấn nhờ gỡ rối giúp chuyện gia đình. Chồng chị luôn cho rằng anh đi làm đem tiền về là đã đủ trách nhiệm nên rất ít khi san sẻ việc nhà. Chị A. luôn tất bật việc nhà, vừa lo việc cơ quan. Chị cũng cho rằng chồng đã vất vả kiếm được tiền nhiều hơn nên không đòi hỏi anh chia sẻ việc nhà. Nhưng rồi việc chăm hai con cùng cha mẹ chồng rồi cả núi việc nhà khiến chị quá tải. Chị ngày càng cáu bẳn, già nua, luộm thuộm. Chị tâm sự: “Có nhiều lúc tôi bực bội nên đánh mắng con dù tôi biết điều đó là sai trái”. Mỗi khi chị chịu hết nổi, chị “vùng lên” đòi anh “phụ giúp việc nhà”. Sau các cuộc gây gổ, có thể anh sẽ xuống nước, “làm giúp” chị một vài việc lặt vặt. Thế là chị lại vui ra mặt. Nhưng điều đó chỉ thỉnh thoảng xảy ra chứ không kéo dài. Anh chỉ lặp lại việc giúp đỡ khi chị… chịu hết nổi ở lần kế tiếp.

Chị B. cũng có cùng gánh nặng việc nhà như chị A. nhưng chồng chị còn khó khăn, gia trưởng hơn nhiều. Anh gần như không cho phép chị tham gia bất cứ quyết định lớn nhỏ nào trong gia đình. Con học trường nào, mua xe, mua đất ở đâu chị đều không được tham gia bàn bạc. Anh nắm kinh tế trong nhà, con cái muốn xin tiền đều hỏi cha chứ không hỏi mẹ. Dần dần chị bị mất tiếng nói trong gia đình. Chị bày tỏ: “Con cái nó cũng khinh thường tôi. Nhiều khi muốn chia tay nhưng thấy ổng vẫn không làm gì sai với gia đình”. Với chị, anh dù gia trưởng nhưng vẫn là người chồng tốt. Chị chỉ cảm thấy đau khổ, vướng mắc trong tâm lý mà không biết cách thoát ra.

Có những chị em khác thường xuyên bị đánh đập, bạo hành. Nhưng khi các chị “vùng lên” thì bên kia… năn nỉ, tặng hoa, xin lỗi là họ lại nhanh chóng tha thứ, làm hòa. ThS Phạm Thị Thúy cho biết: “Phụ nữ Việt Nam dễ bị vướng vào vòng tròn bạo lực kiểu này. Bởi tâm lý phụ nữ Việt là giàu tình cảm, sống cho gia đình, dễ tha thứ. Nhưng tha thứ và thỏa hiệp không phải là giải pháp để đối mặt và giải quyết bạo lực. Sâu xa hơn là do họ thiếu kiến thức”.

Coi chừng cái bẫy “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Anh Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến phát triển cộng đồng LIN (một tổ chức giúp đỡ các dự án cộng đồng), cho biết nhiều hội thảo dành cho tầng lớp nữ trí thức vẫn cổ súy phong trào “phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Họ nêu cao những tấm gương phụ nữ thành đạt nhưng vẫn giỏi làm việc nhà, xem đó là mẫu mực, là công thức của một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu. Anh Sơn nói: “Điều đó chỉ gây áp lực lớn hơn cho phụ nữ, họ bị biến thành các nữ siêu nhân làm hết mọi việc. Chính phụ nữ trí thức cũng cổ vũ cho điều đó thì làm sao thay đổi được nhận thức của hai giới về bình đẳng giới!”.

Theo quan sát của anh, nhiều phụ nữ bị đối xử bất công nhưng chỉ cần được tặng hoa, tặng quà, vỗ về một chút là họ lại tiếp tục chấp nhận cuộc sống bất bình đẳng, xem đó là hy sinh. Anh Sơn tự nhận mình cũng từng là người gia trưởng do ảnh hưởng từ gia đình. Sau nhiều trải nghiệm từ công việc, từ các cuộc tập huấn trong và ngoài nước về bình đẳng giới, anh dần nhìn nhận lại bản thân mình. Anh chủ động thảo luận và chia sẻ với vợ về mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Về việc nhà, anh nhận “phân công” việc rửa chén nhưng anh luôn làm vụng về, chậm chạp, bể chén khiến vợ chồng cũng mấy lần cãi nhau. Sau đó anh thảo luận với bà xã, phân công cho phù hợp và nhận ra việc chia sẻ việc nhà không phải là cả hai phân việc ra để làm, mà ai làm tốt việc nào thì nên nhận lấy việc đó.

Anh Sơn nói: “Tôi thấy nhiều anh nam dù ra xã hội nói rất hay về bình đẳng giới nhưng về nhà vẫn gia trưởng như thường. Một phần cũng bởi nhiều phụ nữ chấp nhận tư tưởng tương tự nên khi họ đấu tranh cho bình đẳng giới thường không đạt kết quả do tư tưởng chưa thay đổi”.

Phụ nữ cần độc lập hơn trong tư tưởng

Nhiều người vợ của những ông chồng gia trưởng luôn hỏi chuyên gia “Tôi phải làm sao?”. Thường khi đến tham vấn tức là họ đã phải chịu đựng trong một thời gian khá dài. Nhưng họ chỉ nghĩ những giải pháp tình thế chứ không có giải pháp lâu dài. Tôi luôn đặt cho họ những câu hỏi để họ tự nhận thức được giá trị bản thân, nhận ra họ cần phải độc lập hơn về tư tưởng. Phụ nữ Việt dễ chấp nhận và dung dưỡng những thói quen bất bình đẳng như chuyện đương nhiên. Cũng từ đó họ tự ti, sợ mất thể diện, cần chỗ dựa, dễ thỏa hiệp và bỏ qua.

ThS tâm lý, TS xã hội học PHẠM THỊ THÚY

Theo HỒNG MINH (PLO)