Phục vụ tốt nhất người dân sau sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính mới
17/04/2025 - 14:31
Phục vụ tốt nhất người dân sau sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính mới là mục tiêu đang được các địa phương nỗ lực triển khai.
AA
Thực hiện đúng quy định
Một góc thành phố Tuyên Quang nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cả nước còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó dự kiến sẽ hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Theo bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, căn cứ chỉ đạo, kết luận của Trung ương về các nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tỉnh đã triển khai các bước thận trọng theo đúng quy định, quy trình, thủ tục và kế hoạch đề ra. Đến nay, Tỉnh ủy Tuyên Quang và Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh và Tỉnh ủy Tuyên Quang thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Ban Chỉ đạo hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang gồm: 2 Trưởng Ban Chỉ đạo là Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Ngoài ra, có 5 tổ giúp việc Ban Chỉ đạo nhằm tham mưu xây dựng Đề án hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh; sắp xếp các cơ quan Đảng, Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh; tham mưu cho Ban Chỉ đạo các nội dung về tài chính, hậu cần, công nghệ, công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Theo chủ trương, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Tuyên Quang và toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Hà Giang sẽ được sáp nhập. Tỉnh mới hình thành sau hợp nhất lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga cho biết, đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp, tỉnh dự kiến còn 52 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 47 xã và 5 phường, giảm 85 đơn vị hành chính cấp xã, phường, đạt tỷ lệ giảm trên 62%. Dự thảo Đề án cũng xác định các phương án, lộ trình bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc không chuyên trách cấp xã; giải quyết chế độ, chính sách; nguyên tắc xử lý trụ sở các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sau sắp xếp.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát các xã, phường còn chưa đáp ứng được các tiêu chí về diện tích, dân số để bổ sung phương án sắp xếp cho phù hợp; đặc biệt, nghiên cứu, phân tích địa giới hành chính, xác định trung tâm các xã đảm bảo sát với thực tế của từng vùng, địa phương để phục vụ tốt người dân sau sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính mới.
Trước đó, Thường trực HĐND hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã làm việc nhằm trao đổi, thảo luận về việc xây dựng phương án hợp nhất HĐND cấp tỉnh theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Sau sắp xếp, Khánh Hòa còn 40 đơn vị hành chính cấp xã
Ngày 16/4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ 132 đơn vị hành chính cấp xã như hiện nay, địa phương sẽ giảm còn 40 đơn vị, bao gồm 29 xã, 10 phường và 1 đặc khu; đạt tỷ lệ giảm 69,69%.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp phân theo đơn vị hành chính cấp huyện như hiện nay, gồm: thành phố Nha Trang còn 3 đơn vị, thành phố Cam Ranh còn 5 đơn vị, thị xã Ninh Hòa 8 đơn vị, huyện Vạn Ninh 5 đơn vị, huyện Diên Khánh 6 đơn vị, huyện Cam Lâm 4 đơn vị, huyện Khánh Vĩnh 5 đơn vị, huyện Khánh Sơn 3 đơn vị và huyện Trường Sa 1 đơn vị. Riêng huyện đảo Trường Sa, với 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn, sau sắp xếp, tổ chức lại sẽ giảm 2 đơn vị và trở thành đơn vị hành chính cấp cơ sở đặc khu.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Một trong những quan điểm của tỉnh là việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã phải kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, phát triển; có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm ổn định lâu dài; phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn mới; làm cơ sở đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở.
Trong phương án, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn trước ngày 20/4 tới đây. Bên cạnh đó, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tiến hành lấy ý kiến cử tri đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh.
Cùng ngày 16/4, UBND thành phố Nha Trang đã có tờ trình gửi Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Nha Trang xem xét, cho ý kiến đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố Nha Trang có 22 xã, phường, với diện tích tự nhiên trên 254 km2 và dân số thường trú thực tế hơn 502.000 người, sau sắp xếp sẽ là 3 phường, lần lượt được đặt tên như sau: phường Nha Trang, phường Bắc Nha Trang và phường Nam Nha Trang.
Theo HOÀNG HẢI - TIẾN MINH (TTXVN)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: