Quan hệ thương mại Việt Nam-Romania nhiều triển vọng hợp tác đầy hứa hẹn

19/01/2024 - 19:22

Hai nền kinh tế Việt Nam và Romania có tính chất bổ trợ nhau, Việt Nam có thể xuất khẩu hàng dệt may, nông sản, thủy sản... và nhập khẩu dược phẩm, thức ăn gia súc, máy móc... từ Romania.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

 

Việt Nam và Romania có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác với bề dày lịch sử 74 năm (1950-2024).

Trong hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, Việt Nam và Romania có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước có thể bổ sung cho nhau.

Hiện nay, hai nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao và có nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam thăm chính thức Romania sẽ mở ra những triển vọng đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư hai bên lên tầm cao mới.

Đối tác truyền thống

Hiện nay, Romania là đối tác truyền thống của Việt Nam tại khu vực Đông Nam châu Âu và là cửa ngõ thâm nhập vào thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Việt Nam là thị trường lớn với khoảng 100 triệu dân, sẵn sàng làm cửa ngõ để Romania thâm nhập thị trường các nước ASEAN.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Romania đạt gần 431 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2022; trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Romania đạt 282,3 triệu USD, giảm 12,5%; nhập khẩu đạt gần 148,7 triệu USD, tăng 44,8%. Vì vậy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Romania đạt 133,6 triệu USD.

Đáng lưu ý, Việt Nam xuất khẩu sang Romania chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; xơ, sợi dệt các loại; hàng thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ sắt thép; càphê…

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Romania các sản phẩm như ngũ cốc (lúa mỳ và ngô); thức ăn gia súc; dược phẩm; vải dệt từ lông cừu; gỗ…

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2019-2023, thương mại hàng hóa song phương tăng hơn 1,65 lần, từ 261,4 triệu USD năm 2019 lên 431 triệu USD năm 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này là 15%/năm.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Romania cũng tăng 1,46 lần, từ gần 194 triệu USD lên 282,3 triệu USD; nhập khẩu của Việt Nam từ Romania tăng 2,2 lần, từ 67,5 triệu USD lên 148,6 triệu USD.

Tuy nhiên, thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Romania chỉ bằng 0,06% kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và chỉ bằng 0,2% kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Romania.

Về đầu tư, từ năm 2019 đến nay, đầu tư của Romania vào Việt Nam chưa có nhiều chuyển biến. Tính lũy kế đến tháng 9/2023, Romania có 5 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,56 triệu USD, đứng thứ 93 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Công nhân xử lý hải sản xuất khẩu. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 1 dự án đầu tư tại Romania với tổng vốn đăng ký 0,6 triệu USD, đứng thứ 65/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam.

Đặc biệt, Cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Romania được tổ chức luân phiên và đến nay đã trải qua 17 Khóa họp. Đây là cơ chế quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, là kênh thảo luận thiết thực nhằm nêu ra và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mục tiêu và lĩnh vực hợp tác mới tại nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá qua số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Romania có thể thấy hiện tại quan hệ thương mại còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự hiểu biết lẫn nhau của doanh nghiệp hai nước còn hạn chế, khoảng cách địa lý và nhất là cước phí vận tải cao.

Tuy nhiên, với những thuận lợi mà Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đem lại, cùng với nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, thương mại và đầu tư song phương sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Việt Nam và Romania là hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ lẫn nhau, Việt Nam mong muốn xuất khẩu sang Romania những mặt hàng là thế mạnh như hàng dệt may, da giày, nông sản, thủy sản nhiệt đới...

Trong khi đó, Việt Nam cũng mong muốn nhập khẩu từ Romania các loại dược phẩm, thức ăn gia súc, máy móc, sản phẩm điện tử và linh kiện, phân bón...

Tại Khóa họp lần thứ 17 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Romania về hợp tác kinh tế diễn ra mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea cùng nhấn mạnh, kinh tế-thương mại là trụ cột quan trọng và là động lực phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea phát biểu tại Khóa họp lần thứ 17 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Romania về hợp tác kinh tế, tháng 11/2023. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Do đó, giải pháp trước mắt được hai Bộ trưởng nhắc tới đó là việc tận dụng tối đa lợi ích từ các khung khổ hợp tác lớn là Hiệp định EVIPA và Hiệp định EVFTA; mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhau.

Mặt khác, hai bên sẽ tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Romania có thế mạnh như cơ khí, máy móc chuyên dụng, thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, công nghiệp sản xuất ôtô, năng lượng sạch, khai khoáng, lọc hóa dầu....

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Romania mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là các sản phẩm dệt may, da giày, nông, thủy sản như tôm, cá, cà phê, trái cây các loại…

Việt Nam cũng sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Romania với ASEAN và các nền kinh tế mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Thay mặt Chính phủ Romania, Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea cho biết: Romania quan tâm thúc đẩy hơn nữa việc tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu các nông sản hai bên có thế mạnh, dược phẩm, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số....).

Phía Romania ghi nhận quan tâm của Việt Nam trong lĩnh vực lao động, sẽ nghiên cứu tích cực đề nghị của Việt Nam về việc thành lập Tổ công tác về lao động trong khuôn khổ Uỷ ban hỗn hợp giữa hai nước.

Khóa họp lần thứ 18 tiếp theo dự kiến được tổ chức vào năm 2025 tại Romania. Thời gian cụ thể, hai bên sẽ thống nhất qua kênh ngoại giao.

Mở rộng cơ hội

Đưa ra đánh giá về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Romania, ông Tạ Hoàng Linh- Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng hai nước có nhiều thuận lợi để mở rộng hợp tác thương mại, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, việc Hiệp định EVFTA được thực thi, EU tháo dỡ điều kiện về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam và Romania đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP nên nông nghiệp và thủy sản là lĩnh vực thế mạnh của cả hai nước.

Nhằm giúp doanh nghiệp khai thác được các thế mạnh của nhau và tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA, ông Tạ Hoàng Linh đề xuất hai bên cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, nghiên cứu thị trường; xác định mặt tiềm năng mà hai bên có thế mạnh cũng như có khả năng cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu.

Song song đó, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA; trong đó, có các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của EU đối với sản phẩm đồ gỗ, dệt may, giày dép.

Cụ thể như quy định liên quan đến an toàn sản phẩm, hạn chế sử dụng một số hóa chất trong sản phẩm, quy định về gắn nhãn CE… và nhất là quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp cơ hội trao đổi, kết nối giao thương thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm... giúp doanh nghiệp hai bên thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau.

Nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai nước, tới đây Bộ Công Thương đề nghị phía Romania tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu, rộng hơn.

Hai bên cần phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, hội chợ triển lãm chuyên ngành có hiệu quả tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm đối tác làm ăn lâu dài.

Mặt khác, hai bên cần đưa ra biện pháp khuyến khích, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Romania liên kết sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu trở lại thị trường Romania và EU.

Liên quan đến hợp tác công nghiệp và năng lượng, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp Romania nghiên cứu chính sách phát triển năng lượng, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Cùng đó, tận dụng các ưu đãi của Chính phủ Việt Nam cho lĩnh vực này để tăng cường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam./.

Theo TTXVN/Vietnam+