Quốc tế thiếu nhi: Phim, kịch, xiếc rộn ràng ra rạp với chiếc 'áo mới'

29/05/2020 - 16:20

Dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay, các đơn vị nghệ thuật, nhà sản xuất đưa tới khán giả “thực đơn” đa dạng với sản phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không khí chuẩn bị các chương trình giải trí phục vụ thiếu nhi dịp 1-6 năm nay trầm lắng hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, các đơn vị nghệ thuật, nhà sản xuất vẫn đưa tới cho khán giả nhí và phụ huynh “thực đơn” đa dạng với sản phẩm thuộc nhiều loại hình: Phim, kịch, tạp kỹ, xiếc…

Thế giới phim hoạt hình

Đại diện CGV cho biết phim chiếu rạp dịp Quốc tế thiếu nhi lần này có phần kém sôi động hơn những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có những bộ phim hoạt hình ngộ nghĩnh, mang màu sắc phiêu lưu, hài hước ra mắt khán giả nhí dịp này như “Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới,” “Samsam-Anh hùng nhí tập sự”…

“Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới” chính thức ra rạp từ ngày 29-5. (Ảnh: CGV)

“Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới” là tác phẩm mới nhất của “xưởng sản xuất giấc mơ” DreamWorks, giúp người xem trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc với thế giới âm nhạc diệu kỳ.

Tiếp theo phần một từng gây “sốt” trên toàn cầu vào năm 2016, “Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới” đưa khán giả theo chân đôi bạn quỷ có tính cách trái ngược Poppy và Branch. Sau cuộc phiêu lưu đầu tiên, họ phát hiện ra rằng còn nhiều tộc quỷ lùn khác cùng tồn tại trong thế giới này và mỗi tộc đại diện cho một thể loại âm nhạc.

Thông qua câu chuyện của những nhân vật hoạt hình nhiều màu sắc, phim gửi gắm thông điệp về thái độ tôn trọng sự đa dạng, những mảng màu khác biệt trong cuộc sống.

Đặc biệt, đến “Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới” đã mở rộng thế giới âm nhạc so với phần đầu tiên. Âm nhạc ở phần này không chỉ có pop. Phim có sự góp giọng của nhiều ngôi sao ở các dòng nhạc khác nhau như Mary J. Blige, Kelly Clarkson, rapper Balvin, nghệ sỹ dương cầm kiêm nhạc trưởng nổi tiếng thế giới Gustavo Dudamel…

Trong khi đó, “Samsam-Anh hùng nhí tập sự” là câu chuyện nhân văn về tình bạn, tình thân cùng những thông điệp giúp các em nhỏ nhận ra, trân trọng và tự tin hơn vào khả năng của bản thân mình.

Quoc te thieu nhi: Phim, kich, xiec ron rang ra rap voi chiec 'ao moi' hinh anh 1

“Samsam-Anh hùng nhí tập sự” ghi điểm với tạo hình ngộ nghĩnh của các nhân vật. (Ảnh: CJ)

Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của Samsam. Cậu nhóc có bố mẹ là hai siêu anh hùng nổi tiếng. Dù Samsam học học tập ở một ngôi trường danh giá chuyên đào tạo các thế hệ siêu nhân tương lai nhưng cậu lại không có siêu năng lực đặc biệt như bạn bè cùng trang lứa. Để xua đi nỗi lo lắng của bố mẹ, sự trêu ghẹo của bạn bè, cậu bé cùng người bạn mới (Mega) bước vào hành trình tìm kiếm sức mạnh riêng của chính mình.

Bên cạnh đó, vào dịp này, Netflix và HBO Max cũng chiếu lại nhiều tựa phim hoạt hình nổi tiếng như “Người nhện: Vũ trụ mới,” “Kẻ trộm Mặt Trăng,” “Gia đình siêu nhân 2,” “Hàng xóm của tôi là Totoro”…

Sắc màu cổ tích

Sau một thời gian tạm ngừng biểu diễn vì dịch COVID-19, nhiều sân khấu đã bắt đầu sáng đèn trở lại bằng những tác phẩm, vở diễn dành cho thiếu nhi.

Nhà hát Tuổi Trẻ giới thiệu dự án nghệ thuật “Bay lên những ước mơ” với các chương trình: Kịch vui “Vaxilixa và phù thủy độc ác,” nhạc kịch “Cuộc chiến vô cực” và ca-múa-nhạc “Trống choai đi đâu thế?”

Theo nghệ sỹ ưu tú Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, các buổi diễn thuộc dự án “Bay lên những ước mơ” sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, khán giả sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay… trước khi vào rạp.

Quoc te thieu nhi: Phim, kich, xiec ron rang ra rap voi chiec 'ao moi' hinh anh 2

Một cảnh trong vở “Vaxilixa và phù thủy độc ác.” (Ảnh: Thế Toàn)

Trong lần trở lại này, nhiều chương trình từng được công diễn trước đó đã được các nghệ sỹ làm mới.

Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng cho biết Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn chương trình “Cướp biển” phục vụ thiếu nhi dịp 1-6. “Cướp biển” có sự kết hợp của các tiết mục xiếc với tiết tấu sôi động, tính giải trí cao (leo cột, đánh vòng, nhào lộn…) cùng các màn ảo thuật độc đáo. Đây là chương trình đã được khán giả yêu mến sau bốn lần biểu diễn.

Tuy nhiên, ở lần tái xuất này, “Cướp biển” có thêm kỹ thuật ánh sáng để tạo hiệu ứng sân khấu, giúp khán giả cảm nhận rõ hơn không gian đại dương mênh mông. Ngoài ra, một số tiết mục xiếc thú cũng được lồng ghép trong chương trình để tạo ra không tươi vui nhộn cho khán giả nhí.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị nghệ thuật lựa chọn khai thác những câu chuyện, hình tượng quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam: Nhà hát Múa rối Thăng Long đánh dấu sự trở lại bằng tác phẩm “Mèo và chuột,” sân khấu Lệ Ngọc giới thiệu “Cây tre thần” (vở kịch thiếu nhi lấy tứ từ câu chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”)…

Tuy khai thác những câu chuyện, hình tượng quen thuộc nhưng các tác phẩm đều được đổi mới cách dàn dựng, lồng ghép những yếu tố đương đại để tiếp cận với khán giả hiện nay. “Cây tre thần” có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thoại và ngôn ngữ kịch hình thể. Trong khi đó, “Mèo và chuột” có sự kết hợp của nhiều hình thức: rối bóng, rối tay, rối dây và rối que…

Nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc cho biết vở “Cây tre thần” được biểu diễn hai suất-ngày để phục vụ khán giả nhí nhân dịp Quốc tế thiếu nhi đồng thời góp phần kéo người xem trở lại với thói quen đến nhà hát xem biểu diễn trực tiếp sau thời gian giãn cách xã hội.

Theo P.MAI (Vietnam+)