Quy định liên quan xét nghiệm để xác định ca mắc COVID-19

18/01/2022 - 08:14

Hỏi: Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước diễn biến phức tạp, số mắc có xu hướng ngày một tăng. Để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, ngành Y tế quy định như thế nào liên quan xét nghiệm để xác định ca mắc COVID-19?

N.T.Nhân (TX. Tân Châu)

Sở Y tế An Giang trả lời:

1. Xác định người nhiễm SARS-CoV-2

Người được xác định nhiễm SARS-CoV-2 khi có kết quả xét nghiệm dương tính môt trong các trường hợp sau:

1.1. Trường hợp bệnh nghi ngờ (theo định nghĩa tại mục 2.1 của Quyết định 4689/QĐ-Bộ Y tế, ngày 6-10-2021 của Bộ Y tế) hoặc bất cứ người nào có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

1.2. Trường hợp bệnh nghi ngờ (*) có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 (**);

1.3. Người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19 trong 14 ngày và có 2 kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ) (**).

Trường hợp chỉ có 1 kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 thì cần phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

(*) Người bệnh nghi ngờ (theo định nghĩa tại mục 2.1 của Quyết định 4689/QĐ-BYm T ngày 6-10-2021 của Bộ Y tế): Trường hợp bệnh nghi ngờ bao gồm:

A. Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác.

B. Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ* có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng hoặc tiếp xúc gần (**) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

* Vùng dịch tễ: Được xác định là những quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa, hoặc nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam theo “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19” của Bộ Y tế và được cập nhật bởi Cục Y tế dự phòng.

** Tiếp xúc gần bao gồm:

 - Tiếp xúc tại các cơ sở y tế, gồm: Trực tiếp chăm sóc người bệnh COVID19; làm việc cùng với nhân viên y tế mắc COVID-19; tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh mắc COVID-19.

- Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

 - Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

- Cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

- Cùng nhóm: Du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp ... với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

- Di chuyển trên cùng phương tiện (ngồi cùng hàng, trước hoặc sau hai hàng ghế) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

(**) Xét nghiệm kháng nguyên: Test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng hình thức trực tiếp hoặc giám tiếp qua các phương tiện từ xa.

H.C