Tác dụng của rau má với sức khoẻ
Báo Tổ Quốc dẫn nguồn trang Healthline cho biết, theo nghiên cứu của Debra Rose Wilson – Tiến sĩ sức khỏe tại trường Đại học Walden (Mỹ), sau đây là một số lợi ích của rau má mà bạn không nên bỏ qua:
Phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch
Như đã đề câp, rau má chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid và beta-carotene, giúp ngăn chặn sự oxy hóa của cholesterol xấu (LDL) trong máu. Cholesterol LDL oxy hóa sẽ dẫn đến sự hình thành các cặn bám trong động mạch, từ đó tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch như đau tim và đột quỵ.
Rau má chứa nhiều chất chống viêm tự nhiên, giúp giảm viêm trong động mạch và loại bỏ cặn bã, kết tủa trong động mạch. Điều này giúp cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
Tăng tốc độ phục hồi vết thương ngoài da
Ít ai biết rằng, rau má có thể giúp cho những vết trầy xước ngoài da nhanh lành hơn. Tất cả là nhờ hợp chất triterpenoids dồi dào bên trong rau má, có công dụng đẩy nhanh tốc độ hồi phục vết thương, tăng các chất chống oxy hóa tại vùng da bị thương, tăng cường lưu thông máu đến nơi bị thương để chữa lành nhanh hơn.
Ngoài ra, cũng nhờ chất triterpenoids mà những vùng da bị thương này ít khi để lại sẹo, giúp làn da luôn tươi sáng và mịn màng. Bạn có thể ăn canh rau má, uống nước rau má hoặc giã nhuyễn rồi đắp lên vùng da bị thương. Chúng sẽ làm giảm sưng và làm mát vết thương rất tốt.
Trị mụn, giúp đẹp da
Rau má chứa các hợp chất có khả năng chống vi khuẩn và chống viêm tự nhiên, giúp làm giảm vi khuẩn gây mụn, giảm viêm đỏ trên da. Điều này có thể giúp làm dịu da và ngăn chặn sự phát triển của mụn. Chất chống oxy hóa, vitamin trong rau má còn kích thích quá trình tạo tế bào da mới, giúp loại bỏ tế bào chết, làm sạch và giảm tắc nghẽn lỗ chân lông do mụn.
Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Không phải tìm tới những loại thuốc ngủ, việc dùng rau má cũng có thể giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn. Cụ thể, rau má chứa triptophan, axit amin cần thiết cho việc sản xuất serotonin - loại hormone quan trọng trong việc điều chỉnh giấc ngủ và tâm trạng. Việc tăng cường sản xuất serotonin sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm cảm giác mệt mỏi khi thức dậy.
Thêm vào đó, rau má chứa melatonin tự nhiên - hormone quan trọng giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ và thức dậy. Nhờ vậy, ăn rau má có thể giúp cải thiện sự điều chỉnh của cơ thể với chu kỳ tự nhiên của giấc ngủ và thức dậy.
Những người không nên ăn rau má
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, rau má rất lành tính nhưng không phù hợp với tất cả mọi người.
Theo đó, những người được khuyến cáo không nên dùng rau má là: bà bầu, phụ nữ đang cho con bú hoặc đang mong muốn có thai, người mắc bệnh gan, người mắc bệnh tiểu đường, người đang dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm.
Những điều cần lưu ý khi ăn rau má
Tuy rau má rất lành tính nhưng không nên lạm dụng loại rau này. Mỗi ngày chỉ nên sử dụng từ 30 đến 40g rau má. Đặc biệt, không nên dùng trong thời gian dài. Nếu như không có chỉ định của bác sĩ thì không nên dùng rau má trong khoảng 6 tuần liên tiếp.
Mỗi đối tượng với tình trạng bệnh lý khác nhau, độ tuổi khác nhau sẽ phù hợp với liều dùng khác nhau. Do đó trước khi dùng rau má, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Không nên uống rau má để thay thế nước lọc.
Không nên uống rau má khi dùng thuốc tây.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "rau má có tác dụng gì và những người không nên sử dụng rau má. Hãy sử dụng rau má đúng cách để tốt cho sức khoẻ nhé.