Rau xanh ổn định giá trong mùa mưa bão

01/12/2020 - 07:14

 - Tuy gần 2 tháng qua liên tiếp xảy ra mưa bão nhưng giá rau xanh ở các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh không mấy đột biến. Có thời điểm một số loại rau tăng giá nhưng theo quan điểm người tiêu dùng đó là điều chấp nhận được vì mưa bão gây thiệt hại rau màu khá lớn và nông dân cũng bị thất thu. Hiện nay, nguồn cung từ các tỉnh đã phục hồi trở lại, còn nguồn cung trong tỉnh tương đối dồi dào, giúp mặt hàng rau xanh trở lại nhịp bình thường.

Khảo sát một số chợ truyền thống trên địa bàn TP. Long Xuyên, những ngày qua, hoạt động mua bán vẫn diễn ra xôm tụ. Chủ sạp rau Ngọc Hoa (chợ Mỹ Quý) cho biết, trong tháng 10, giá một số rau, củ từ Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh nhập về tăng cao, do vận chuyển khó khăn, hàng khan hiếm, đã vậy cũng không được tươi ngon. Tuy nhiên, tình hình chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, hiện nay các loại rau, củ, quả đều bình ổn trở lại, đắt hàng và không lo về giá. Cùng thời điểm trên, nhiều tiểu thương cho biết, các loại rau ăn lá ngắn ngày có nguồn cung chủ yếu trong tỉnh cũng tăng giá nhẹ, riêng các loại rau ăn sống tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Chị Bé Hơn (tiểu thương bán rau trong chợ Mỹ Xuyên) trần tình: “Mưa quá nên mấy loại rau nhập vào giá cao hơn, cả tháng nay dù khách quen hay lạ tới mua tôi đều giải thích để họ thông cảm, nếu mua từ 5.000 - 10.000 đồng/phần rau sống (xà lách, các loại rau thơm) thì không đủ cho bữa ăn một gia đình đâu”. Chị Hơn lý giải thêm, loại rau vừa khan hiếm, vừa có giá cao là xà lách, gặp mưa bão sẽ thiệt hại nhiều hơn các loại khác, kế đến là ớt, có thời điểm giá đẩy lên 70.000 đồng/kg, chỉ khách nào mua nhiều mới được tặng kèm ớt, hành lá.

Thị trường rau xanh ít biến động giá và ổn định nguồn cung – cầu

Hiện tại, lượng cung cấp rau màu trong và ngoài tỉnh khá ổn, giá thành cũng giảm. Tùy theo thời điểm, các loại rau ngót, rau muống, cải ngọt, cải xanh, đậu rồng, bắp, nấm, đậu, mướp… dao động vài trăm đồng - 2.000 đồng/kg hoặc bó. Còn những loại rau, củ có thể tích trữ lâu ngày hơn như: bắp cải, cà rốt, khoai tây, bông cải, bí… dao động từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Kể cả một số rau đặc trưng của mùa nước nổi như: bông điển điển, bông súng, rau muống đồng, rau dừa... hiện nay giá bán còn rẻ hơn cả thời điểm trước. Bà Nguyễn Thị Hai với gian hàng chỉ bán các loại rau đồng nói: “Nước rút nên rau không ngon bằng đầu mùa, rau muống đồng hái được nhiều gấp 2-3 lần bởi nông dân gấp rút dọn đồng xuống giống. Mùa này nhiều người lo ngại mưa bão đi lại bất tiện nên mỗi lần đi chợ mua dự trữ cho 2-3 ngày, chỉ lo bán ế chứ không dám tăng giá”.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến (phường Mỹ Bình) chia sẻ: “Một bó xà lách xoong ngày thường mua giá 6.000 - 8.000 đồng, nhưng có tuần tăng đến 15.000 đồng, nghĩa là gấp đôi. Tuy nhiên, không phải rau nào cũng tăng giá, chỉ số ít và diễn ra khoảng 1 tuần, tôi cũng hiểu do tình hình thời tiết, việc vận chuyển và sản xuất đều khó khăn nên chấp nhận. Hiện nay các loại rau xanh tăng và giảm giá qua các ngày không đáng kể, hầu như người nào đi chợ cũng thấy chấp nhận được, vì chưa năm nào khó khăn như năm nay. Trong điều kiện cho phép, cứ chọn mua nguyên liệu phù hợp, miễn đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình là được”. Tương tự, trong hệ thống các siêu thị, rau quả vẫn ổn định về số lượng và giá cả, do các đơn vị đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn với các nhà phân phối. Thậm chí người đi chợ có xu hướng vào siêu thị nhiều hơn, như chị Bùi Thị Hồng (phường Mỹ Phước) bởi lý do tiện lợi về thời gian, một số củ quả được cắt, gọt sẵn, thỉnh thoảng siêu thị có đợt giảm giá, mua tích trữ để tiết kiệm hơn.

Có thể thấy, mưa bão tuy có ảnh hưởng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng khiến rau “sốt giá” như ở các tỉnh, thành phố khác. Càng về cuối năm, nguồn rau xanh càng dồi dào, cả người bán và người mua đều có thể yên tâm không khan hàng, không biến động giá cả.

MỸ HẠNH