Rau xôi gồm nhiều loại như: Rau cải, rau bí, đắng cảy...
Theo chân chị Nguyễn Thị Thanh Mai - khu Hon 1, xã Xuân An ra bìa rừng ngay gần nhà để hái rau, con suối đang trong tiết thu, nước trong vắt, chảy róc rách hòa cùng với tiếng chim rừng đem lại một bầu không khí thật dễ chịu ở nơi này. Chị Mai “khoe” hôm nay sẽ cho chúng tôi thưởng thức đặc sản của dân tộc Mường mà ở dưới xuôi (theo cách gọi của người dân nơi đây) khó mà có được.
Vừa thoăn thoắt hái những ngọn rau dớn mọc ở ven suối, chị Mai chia sẻ: “Do đặc điểm tập quán sinh sống nên từ bao đời nay, rau xôi luôn là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của đồng bào dân tộc Mường chúng tôi. Sau những buổi đi làm rừng về, bà con vẫn tranh thủ hái các loại rau trên rừng để mang về nấu. Rau rừng vẫn được coi là “rau sạch”, thậm chí có nhiều loại rau rừng rất tốt cho sức khỏe”.
Không thể thiếu trong món rau xôi là lá và hoa đu đủ.
Rau xôi được tạo thành từ nhiều loại rau khác nhau như: Rau lang, rau bí, bắp chuối rừng, rau cải đồng, rau đắng cảy... và không thể thiếu được đó là ngọn, lá, hoa của cây đu đủ.
Rau sau khi hái về sẽ được rửa sạch, để ráo nước, sau đó trộn đều các loại rau, nêm thêm gia vị và cho vào chõ xôi đun với ngọn lửa vừa phải. Nét rất riêng trong ẩm thực của đồng bào Mường là rất chú trọng đến các loại gia vị. Họ cho rằng, món ăn có ngon và đậm đà hay không phần nhiều nhờ vào sự kết hợp của các gia vị. Vì thế, khi chế biến món ăn, sự chuẩn bị về gia vị của người Mường khá cầu kỳ, thức ăn đều được tẩm ướp trước cho ngấm rồi mới đem đun nấu. Các gia vị thường dùng như: Hạt xẻn, hạt dổi, mẻ, dấm...
Rau được cho vào chõ để xôi.
Khoảng 15 phút sau khi xôi, mùi thơm của các loại rau tỏa khắp khu bếp là rau chín. Rau được nấu chín bằng hơi nên không bị nát. Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn đòi hỏi phải giữ được màu xanh của các loại rau, màu trắng của hoa đu đủ đực, của hoa chuối... đồng thời phải giữ được vị chua, chát, đắng đặc trưng của các loại rau rừng hòa quyện với nhau.
Theo người dân nơi đây, rau sẽ ngon hơn khi được chấm với dấm cá suối – loại nước chấm được chế biến từ dấm nấu với cá suối hoặc lòng cá, góp phần tạo nên hương vị độc đáo, riêng có của món ăn. Vị chát, đắng tự nhiên ở đầu lưỡi như hòa quyện cùng với vị béo, ngọt, cay, thơm của thứ nước chấm sẽ để lại cho những ai được thưởng thức một ấn tượng khó quên.
Rau xôi cùng cá suối, thịt chua... tạo nên một mâm cơm hấp dẫn mang nét độc đáo của đồng bào dân tộc Mường.
Nói đến đặc trưng ẩm thực cũng như trong lao động sản xuất của đồng bào mình, người Mường vẫn có câu: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”, đối với người dân tộc Mường công việc chính là nông nghiệp nên các món cơm nếp đồ, rau đồ là thứ không thể thiếu.
Rau xôi hiện nay ngoài việc được dùng quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của người dân thì còn được dùng trong các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện. Tạo nên điểm nhấn trên bản đồ văn hóa ẩm thực của vùng đất Yên Lập. Món ăn tuy bình dị nhưng chứa đựng tấm lòng hiếu khách của đồng bào. Nếu có cơ hội, du khách hãy thử một lần về với bà con nơi đây cùng leo rừng, vượt suối thưởng thức món ăn độc đáo này để hiểu hơn về đời sống văn hóa ẩm thực phong phú của thế hệ người Mường trên mảnh đất vùng cao xa xôi.
Theo Báo Phú Thọ