Rủi ro của ngành hàng cá tra trong đại dịch

11/08/2021 - 06:52

 - Đại dịch COVID-19 đã xảy ra 2 năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành hàng cá tra của người dân và doanh nghiệp (DN) trong tỉnh An Giang.

Chi phí tăng cao

Dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, DN chế biến cá tra tại khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng buộc phải giảm quy mô sản xuất (để phòng, phống dịch bệnh COVID-19), duy trì lực lượng công nhân sản xuất tại nhà máy từ 35-45%, đồng thời phải thực hiện phương châm sản xuất “3 tại chỗ”. Vừa giảm lực lượng lao động trong sản xuất, vừa tổ chức cho công nhân ăn, ở, sản xuất tại chỗ nên hiệu quả sản xuất không có.

Một cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội DN Chế biến Thủy sản Việt Nam (VSEP) tại ĐBSCL cho biết, đến nay chỉ có 30% DN ở khu vực này còn duy trì hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”, những DN còn lại phải đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh.

“Chúng tôi duy trì sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” để đáp ứng đơn hàng của các nhà nhập khẩu, hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn nhập khẩu cá tra lớn trên thế giới. Việc sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” là không có hiệu quả, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giữ được khách hàng cực kỳ khó khăn” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Lượng công nhân tại nhà máy chế biến được duy trì ở mức 35 - 45%

Rủi ro của ngành cá tra trong đại dịch là rất lớn, bởi chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm tăng không đáng kể. Cụ thể, trong khâu nuôi, giá nhập nguyên liệu chế biến thức ăn tăng cao, dẫn đến giá thành nuôi hiện nay lên đến 23.000-23.500 đồng/kg, trong khi giá cá thương phẩm vẫn ở mức 21.000-21.500 đồng/kg, như vậy người nuôi sẽ lỗ từ 2.000-2.500 đồng/kg cá xuất hầm.

Ở khâu chế biến, do phải giảm lượng công nhân tại nhà máy để phòng, chống dịch bệnh, nên sản lượng thành phẩm sản xuất mỗi ngày giảm đáng kể, trong khi đó để vận hành được dây chuyền sản xuất thì lượng điện, nước tiêu thụ vẫn ở mức cố định. Trong xuất khẩu, hiện nay do các quốc gia nhập khẩu tăng cường kiểm soát dịch bệnh nên việc thông quan tại các cảng đến rất chậm. Lượng hàng tồn đọng chờ thông quan lớn, vì vậy lượng container rỗng là rất hiếm.

Lợi dụng tình hình này, các hãng tàu biển đã tăng giá vận chuyển khiến chi phí của DN trong khâu bán hàng tăng cao. Cụ thể, trong trạng thái bình thường, 1 container 40 feet xuất từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đến cảng Rotterdam (Hà Lan) là 1.400 USD/container thì nay đã tăng lên 10.000 USD/container nhưng thị trường vẫn khan hiếm container rỗng.

Sản phẩm tăng không đáng kể

6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của toàn ngành đạt trên 780 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các DN trong tỉnh xuất khẩu đạt 60.770 tấn, tương đương 147,02 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 0,27% về sản lượng và tăng 0,63% về kim ngạch.

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm 2021, có thể nói kết quả tăng trưởng dương 17% so với nửa đầu năm 2020 đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng DN xuất khẩu cá tra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, điều đó cho thấy tinh thần vươn lên trong khó khăn của DN là rất đáng trân trọng. Chi phí tăng cao nhưng giá bán sản phẩm lại tăng không đáng kể. Cụ thể giá xuất vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) trong 6 tháng qua vẫn xoay quanh mức 2,35 USD/kg, giá này so với năm ngoái là tăng không đáng kể.

Danh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”

Dịch bệnh xảy ra, ngoài chi phí tăng cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp, các DN chế biến cá tra đang rất lo lắng. Hiện nay, nhà máy giảm lượng công nhân để chống dịch, đa phần công nhân đã về quê tránh dịch hoặc chuyển sang ngành nghề khác để tìm kế sinh nhai khác. Vì vậy khi hết dịch, lượng lao động trở lại nhà máy sẽ có có nguy cơ thiếu hụt trầm trọng.

Phát huy thế mạnh của ngành hàng này, thời gian qua, cùng với các DN chế biến, tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện chương trình Giống cá tra 3 cấp nhằm tạo ra con giống khỏe, sạch bệnh, tỷ lệ sống (trong khâu nuôi thương phẩm) cao. Chương trình là tiền đề quan trọng để giúp ngành hàng cá tra từng bước đi vào thế ổn định. DN có được sản phẩm đạt chất lượng để xuất khẩu.

Song, để ngành hàng cá tra phát triển mang tính ổn định và bền vững thì nhà nước cần tiếp tục đi vào cũng cố khâu chế biến và xuất khẩu, cụ thể tiếp tục duy trì hàm lượng ẩm trong sản phẩm phi-lê ở mức chấp nhận được để chất lượng sản phẩm được giữ vững, trong xuất khẩu cần có giá sàn xuất để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Có vậy thì ngành hàng cá tra mới tiếp tục phát huy thế mạnh của mình và tiếp tục mang về cho đất nước mỗi năm trên 2 tỷ USD, giải quyết cho hàng triệu lao động có việc làm ổn định.

Sau đại dịch, doanh nghiệp lo ngại công nhân trở lại nhà máy không đủ để sản xuất

 “Rủi ro của ngành cá tra trong đại dịch là rất lớn, vì vậy sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để DN phục hồi sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu. Hiện nay, chính sách hạn điền đang làm DN chùn bước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vì phải đóng những khoảng chi phí không hợp lý quá lớn.

Trước thực tế này, Tập đoàn Nam Việt vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bộ tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để nghiên cứu mở rộng hạn điền. Việc này giúp các tập đoàn mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để chung tay vực dậy nền kinh tế sau đại dịch” - Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích