Thăm lại chiến trường xưa
Chuyến đi hôm ấy quy tụ gần 30 người lính, phần đông ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại tỉnh An Giang thời chiến tranh. Người “trẻ” nhất cũng hơn 70 tuổi, gương mặt in đậm dấu ấn năm tháng, mà tóc lại phai màu. Họ gặp đồng đội xưa, ở nơi cũ, nghe rưng rức nỗi nhớ khó gọi tên.
Trung úy Kiều Quang Trung (sinh năm 1952, nguyên trợ lý Quân nhu Trung đoàn 24) là trưởng đoàn trong chuyến hành trình 2 ngày. Không bồi hồi, xúc động sao được, bởi vì đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, ông và đồng đội mới được trở lại An Giang, nơi đã từng gắn bó sâu nặng. “Đồng đội tôi, có người đã nằm xuống, có người để lại một phần cơ thể của mình cho mảnh đất An Giang. Được về lại nơi xưa, dù chỉ một lần, tôi mãn nguyện rồi. Về sau, không biết chúng tôi còn có dịp quay lại nữa hay không, bởi tuổi cao sức yếu, khó nói trước” - ông Trung bộc bạch.
Góp nhặt ký ức của những người lính già, chúng tôi dần hiểu lịch sử hình thành Trung đoàn 24. Đơn vị được thành lập ngày 15/11/1965, tại chiến khu Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), là một bộ phận của Sư đoàn 304 (Quân khu 5); được giao nhiệm vụ vào Nam chiến đấu. Ngày 30/4/1975, trong đội hình Đoàn 320, họ tấn công giải phóng Sài Gòn: Đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn (một trong 5 mục tiêu trọng yếu nhất của Chiến dịch Hồ Chí Minh). Tháng 5/1975 đến tháng 4/1976, đơn vị cơ động về Gò Công, vừa củng cố lực lượng, vừa làm kinh tế tại Mộc Hóa (tỉnh Long An)…
Tháng 5/1976, Trung đoàn di chuyển xuống Cà Mau, tiếp tục làm kinh tế. Tháng 7/1977, Trung đoàn được lệnh về An Giang, tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam. Cuối tháng 12/1978 đến đầu năm 1979, đơn vị hoạt động dọc biên giới Campuchia, giúp nước bạn giải phóng Takeo, Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế… Tháng 9/1979, đơn vị được lệnh chuyển ra Bắc, tham gia chiến đấu biên giới phía Bắc cho đến khi giải thể. Trở về cuộc sống đời thường, họ vẫn đau đáu được trở lại An Giang, nơi họ xem là quê hương thứ 2 của mình, nơi họ dùng tuổi trẻ và sức lực, thậm chí xương máu, để cuộc sống hồi sinh như hôm nay.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là Nhà mồ Ba Chúc (huyện Tri Tôn). Trong khói hương trầm buồn, tiếng hướng dẫn viên nghèn nghẹn kể lại tội ác man rợ của lính Pol Pot vào tháng 4/1977. Suốt 12 ngày, chúng giết hại dã man 3.157 người dân Ba Chúc. Sau hơn 40 năm kể từ biến cố ấy, thị trấn Ba Chúc ngày nay đã đổi thay rất nhiều, vết thương chiến tranh từng bước được hàn gắn, đời sống nhân dân được đổi thay.
Rời Ba Chúc, đoàn cựu chiến binh đến dâng hương, tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (phường Thới Sơn, TX. Tịnh Biên). Nghĩa trang có tổng diện tích hơn 35.000m2, xây dựng năm 1986. Được mệnh danh là “nghĩa trang Trường Sơn của vùng Bảy Núi An Giang”, nơi đây quy tập hơn 8.000 ngôi mộ của chiến sĩ miền Bắc - Trung - Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh. Trong đó, phần lớn là quân tình nguyện Việt Nam ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến xã Quốc Thái (huyện An Phú), nơi chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Đại úy Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1949, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 An Giang) chia sẻ: “Năm 1977, đơn vị tôi được phân công chiến đấu tại búng Bình Thiên, xưa kia rất hoang sơ. Có thời điểm, đồng đội chiến đấu bị thương rất nhiều, nghĩ đến lại quặn thắt tâm can. Giờ trở lại, thấy cuộc sống người dân thay đổi toàn diện, tôi mừng cho họ”.
Trong câu chuyện của những người lính Trung đoàn 24 An Giang, chúng tôi cảm nhận được sự háo hức của họ khi chuẩn bị cho chuyến đi từ nhiều ngày trước. Sức khỏe, cuộc sống riêng chi phối, nhưng rất may, cuối cùng họ đã thỏa lòng mong đợi trở lại chiến trường xưa. Chuyến về nguồn là kỷ niệm vô giá của họ, là nỗ lực gặp lại nhau cháy bỏng vô cùng. Và nói như trung tá Nguyễn Phú Xuân Vinh, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện An Phú, khi được kết nối với các cựu chiến binh, đó là nguồn tư liệu rất quý để đơn vị lưu giữ, dùng để giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.
Hội ngộ rồi chia tay, lưu luyến xen lẫn bùi ngùi. Mỗi giờ phút của cuộc hành trình đều rất quý trọng, trôi qua nhanh đến mức chẳng ai nỡ rời đi. Với họ, đây không chỉ là chuyến hành trình về thăm lại chiến trường xưa, mà còn là chuyến đi nối dài, trải rộng ký ức đẹp đẽ về tình đồng chí, đồng đội, tình yêu quê hương đất nước. Chính họ, những con người kiên cường, bất khuất, từng làm nên chiến thắng lịch sử ngày trước, giờ tiếp tục giữ lửa truyền thống cho thế hệ mai sau.
Theo trung úy Kiều Quang Trung, qua những địa danh lịch sử, được về lại nơi xưa, hạnh phúc đối với ông và đồng đội còn nằm ở sự mến khách của cán bộ, chiến sĩ, địa phương, người dân An Giang. Mong muốn lớn nhất của các cựu chiến binh là chia sẻ, nhắc nhở quá khứ, để thế hệ trẻ biết được cha, anh của mình chiến đấu bảo vệ quê hương oai dũng thế nào, để con cháu vững lòng tiếp nối xây dựng quê hương. |
VẠN LỘC