Sắc tím của rừng!

28/04/2022 - 06:49

 - Tháng 4, những cơn mưa theo mây tưới mát núi rừng. Bảy Núi chuyển mình với màu xanh mướt mắt và xen lẫn sắc tím của những cây bằng lăng rừng trổ bông. Với người mộng mơ, mùa bằng lăng rừng bao giờ cũng ẩn chứa nét đẹp riêng, làm nên vẻ thơ mộng của Bảy Núi sau những ngày nắng cháy.

Vẻ đẹp của rừng

Bước vào mùa mưa, Bảy Núi dịu mát hơn, màu xanh dần bao phủ từ đồng bằng lên đỉnh non cao. Dọc theo những con đường nhựa chạy loanh quanh qua mấy cánh rừng, lòng người như lạc vào chốn hoang sơ, khi nghe tiếng ve kêu ra rả trên cành. Bất chợt, tôi nhận ra bức tranh thơ mộng của vùng Bảy Núi, với những đóa bằng lăng bát ngát trên triền dốc xa xa, đánh thức vẻ đẹp miên man của núi, của rừng.

Thật vậy. Bằng lăng đã rất quen thuộc với người dân, khi loài cây này hiện hữu dọc theo những con đường phố thị. Tuy nhiên, bằng lăng rừng chẳng mấy khi khoe sắc ở chốn phố phường, nên nó vẫn là cái gì đó xa xôi mà chỉ có đặt chân đến miệt Thất Sơn, người ta mới xuýt xoa bởi vẻ đẹp của loài cây bản địa.

Ông Nguyễn Văn Tình (người dân thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên) cho hay: “Thường thì tới tháng 6 mưa già, bằng lăng mới rộ bông. Như năm nay là vô mùa bông sớm. Bông bằng lăng rừng đẹp lắm, bây giờ mới gác đầu mùa mưa nên còn lốm đốm, chừng 1 tháng nữa thì cánh núi Két, núi Trà Sư bông nở rợp cả rừng nhìn mê mắt lắm. Tui hay leo núi rèn sức khỏe nên rất thích mùa bông bằng lăng, vừa đi vừa ngắm cảnh quên cả mệt!”

Bằng lăng trổ bông tô điểm núi rừng

Nếu phân biệt, bông bằng lăng rừng có rất nhiều sắc độ so với bằng lăng trồng ở phố. Chúng có đủ màu, từ tím đậm, tím nhạt pha trắng cho đến màu hồng, màu đỏ… Bông bằng lăng rừng có cánh lớn, kết thành chùm nhìn xum xuê. Mỗi lần ngắm hoa bằng lăng rừng, người ta dễ liên tưởng đó là những cánh phong lan! Vì sinh trưởng ở rừng, nên bằng lăng mạnh mẽ, hoang dại trong mùa khô và rực rỡ hoa khi những cơn mưa rừng tắm mát thân cây.

“Loài bằng lăng rừng này đâu ai trồng hay chăm sóc, nó tự nhân giống, tự lớn lên làm đẹp cho đời. Cũng có dạo, người ta lấy bằng lăng rừng về trồng ở vườn, ở sân cho đẹp, nên dần dần chúng xuống tới đồng bằng. So với bằng lăng nước trồng theo đường phố, bông bằng lăng rừng đẹp hơn nhiều. Tôi cũng thấy có vài người dùng gốc bằng lăng rừng để chơi kiểng kiểu bonsai, nhìn cũng hay hay” - ông Tình chia sẻ.

Loài cây độc đáo

Những ai có dịp thưởng thức rau rừng Bảy Núi, hẳn sẽ hơn một lần nhìn thấy mấy đọt bằng lăng nằm xen lẫn trong dĩa với các loài khác cạnh chiếc bánh xèo. Với dân sành ăn, họ khá thích đọt bằng lăng rừng. Tuy nhiên, vị của nó hơi chát, người không quen ít chịu dùng. Ngoài ra, người ta còn dùng bằng lăng để chế biến những món ăn khác.

Ông Chau Si Na (Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc) cho biết: “Về ẩm thực bằng lăng thì đồng bào dân tộc thiểu số Khmer rất sành. Họ dùng đọt bằng lăng để nấu canh với bông đu đủ, ăn khá ngon. Hiện nay, thỉnh thoảng món canh này vẫn xuất hiện trong bữa cơm của người Khmer. Khi các loại rau rừng Bảy Núi được biết đến nhiều hơn, người ta mới đưa đọt bằng lăng vào ăn với bánh xèo. Quả thật, đọt bằng lăng rừng nếu ăn quen miệng sẽ rất ngon”.

Cũng theo ông Chau Si Na, bằng lăng rừng phân bố ở hầu hết các ngọn núi ở huyện Tịnh Biên, nhưng tập trung nhiều ở núi Két, núi Trà Sư, núi Cấm… Do đây là loài bản địa nên không cần chăm sóc, chúng phát triển tốt tươi trên các triền dốc và khoe sắc trong những tháng mùa mưa, làm cho cảnh vật Bảy Núi đẹp như tranh vẽ.

Tại núi Cấm, vào mùa bằng lăng rừng trổ bông, khung cảnh trở nên rực rỡ. Những cây bằng lăng trở nên nổi bật với sắc tím mộng mơ điểm xuyết vào màu xanh của núi rừng. Khi đó, không ít lần cánh nhiếp ảnh muốn thu vào ống kính khung cảnh hùng vĩ mà thơ mộng của non cao, trong thời khắc bằng lăng rừng nở rộ. Với những bạn trẻ, được chụp ảnh với hoa bằng lăng rừng sẽ là kỷ niệm khó quên, bởi loài hoa xuất thân hoang dã nhưng có vẻ đẹp rất nên thơ này luôn cuốn hút những ai yêu mến thiên nhiên.

 “Bằng lăng rừng còn được gọi là thao lao. Thao lao không được xếp vào nhóm gỗ quý hiếm, nhưng chất lượng cũng vào hàng khá. Thường thì người ta đóng bàn, ghế, tủ… để dùng trong nhà. Nếu bảo quản tốt và tránh được mưa nắng thì vật dụng làm bằng gỗ thao lao có thể bền vài chục năm. Tuy nhiên, chúng tôi luôn bảo vệ loài cây này trong nhiệm vụ giữ rừng, bởi ngoài yếu tố phủ xanh thì bông bằng lăng cũng là “đặc sản” của Bảy Núi, tô điểm cho vùng đất này đẹp hơn trong mắt du khách thập phương” - ông Chau Si Na phân tích.

Một mùa hoa tím nữa lại về trên triền núi xa xăm, đánh thức cái đẹp “ngủ yên” trong những ngày oi ả. Trong tiếng ve ngân đầu hạ, người dân xứ núi lại say sưa ngắm sắc hoa bình dị mà thanh tao. Nếu có dịp đến vùng Bảy Núi, bạn hãy dành chút cảm nhận của mình cho màu tím của hoa bằng lăng để cảm nhận vẻ đẹp rất riêng của miệt bán sơn địa.

THANH TIẾN