Sản xuất hàng giả vì hám lợi

14/11/2022 - 07:10

 - Là chủ công ty kinh doanh phụ tùng xe gắn máy và dầu nhớt các loại có thương hiệu, nhưng khiến Trần Trí Mãnh (sinh năm 1980) và Hồng Mỹ Thi (sinh năm 1984, ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) lại nảy sinh ý tưởng sản xuất hàng giả. Hậu quả là những ngày tháng tù tội cho cả chủ và nhân công.

Năm 2008, Mãnh thành lập Công ty TNHH TM&SX Gia Thịnh, kinh doanh mặt hàng phụ tùng xe gắn máy, nhớt của nhiều thương hiệu. Thi phụ giúp Mãnh trả lương, quản lý việc mua bán tại công ty. Vợ chồng Mãnh thuê nhân viên với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, để làm nhiều công việc khác nhau.

Trong đó, Trần Kỳ Nam (sinh năm 1984, ngụ xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc) quản lý kho nhớt; Chu Đình Thiện Trí (sinh năm 1992, ngụ TP. Hồ Chí Minh) quản lý kho phụ tùng xe, Nguyễn Văn Có (sinh năm 1994, ngụ xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) làm nhiệm vụ kiểm tra, nhận và soạn phụ tùng xe gắn máy...

Trong quá trình kinh doanh, Mãnh thấy phụ tùng nhãn hiệu Honda, Yamaha và dầu nhớt Castrol, Kubota, Shell… được người tiêu dùng ưa chuộng hơn các loại khác. Năm 2019, Mãnh nảy sinh ý định sản xuất, buôn bán phụ tùng xe gắn máy giả của các hãng trên để bán cho khách nhằm thu lợi bất chính.

Để thực hiện, Mãnh mua các mặt hàng phụ tùng xe gắn máy cùng vỏ hộp, tem nhãn giả nhãn hiệu Honda, Yamaha và dầu nhớt giả nhãn hiệu Castrol, BP, Shell của một số người tại chợ Tân Thành (TP. Hồ Chí Minh). Hàng hóa được đóng gói bao bì sẵn, bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh cho các tiệm sửa xe nhỏ lẻ, lợi nhuận từ 10-40% so với các mặt hàng chính hãng.

Bị cáo Mãnh trả lời thẩm vấn tại phiên tòa

Số hàng hóa còn lại không có tem nhãn, Mãnh thuê Nguyễn Hữu Văn (sinh năm 1988, ngụ quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) in, sản xuất vỏ hộp giả nhãn hiệu Honda, Yamaha. Văn đã in, sản xuất thành phẩm cho Mãnh 15.350 vỏ hộp ổ bi nhỏ, 5.158 vỏ hộp ổ bi lớn.

Riêng các tem nhãn, vỏ hộp giả nhãn hiệu Yamaha, Honda thì Văn mua của một số người tại khu vực chợ Kim Biên (TP. Hồ Chí Minh) với số lượng: 5.800 hộp Yamaha nhỏ; 1.050 hộp Yamaha lớn; 3.170 hộp Honda; 1.000 hộp (không in chữ Honda); 1.000 tem nhãn hiệu Honda; 1.000 tem nhãn hiệu Yamaha (tổng số tiền trên 42 triệu đồng).

Văn chuyển số lượng vỏ hộp này cho Mãnh, Thi chuyển khoản trả tiền. Khi bán các mặt hàng phụ tùng xe gắn máy ra thị trường, Mãnh chỉ đạo Có và người làm thuê bỏ vào vỏ hộp này, dán tem giả nhãn hiệu Honda, Yamaha để khách tin tưởng mua.

Ngoài các linh kiện, phụ tùng trên, Mãnh và Thi đặt mua của Nguyễn Văn Nhiều (sinh 1981, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nhớt Kubota giả. Do số nhớt Kubota không có tem xác nhận hàng Kubota chính hãng, Mãnh kêu Trí lên mạng tìm thuê tổng đài 6020, đưa mẫu tem chống hàng giả của hãng nhớt Kubota và các dãy chữ số của mẫu tem này cho Trí vẽ file mẫu cùng số điện thoại của tổng đài 6020; soạn mẫu tin trả lời tự động là hàng chính hãng đưa cho tổng đài.

Để khi khách mua nhớt giả nhãn hiệu Kubota, cạo lớp vỏ bạc nhắn tin vào đầu số tổng đài thì tổng đài trả lời tự động là hàng nhớt Kubota chính hãng. Sau khi vẽ tem xong, Mãnh gửi file vẽ tem giả qua Zalo để Nhiều in tem giả và cung cấp nhớt giả Kubota. Khi bán ra thị trường, vợ chồng Mãnh đưa tem giả cho Nam dán lên thùng nhớt Kubota giả.

Ngoài ra, trong quá trình mua bán tại Công ty TNHH TM&SX Gia Thịnh, vợ chồng Mãnh, Thi không khai báo thuế và xuất khống hóa đơn để tránh né việc nộp thuế. Đến ngày 2/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành bắt giữ, khám xét khẩn cấp Công ty TNHH TM&SX Gia Thịnh cùng 2 kho phụ tùng, thu giữ nhiều hàng hóa phụ tùng xe gắn máy nhãn hiệu Honda, Yamaha và dầu nhớt nhãn hiệu Castrol, BP, Shell, Kubota, hơn 83kg tem giả nhãn hiệu Honda, 185kg hộp giấy giả nhãn hiệu Honda, 79kg hộp giấy giả nhãn hiệu Yamaha, 102kg tem bao gồm các nhãn hiệu Sco, Daili, Thaisam, 3.228kg bao gồm hộp giấy nhãn hiệu Sco, Daili, Thaisam và một số không nhãn hiệu.

Đồng thời, kiểm tra và thu giữ nhiều phụ tùng xe gắn máy và dầu nhớt giả tại 55 địa điểm trong và ngoài tỉnh mua hàng hóa tại Công ty TNHH TM&SX Gia Thịnh. Từ ngày 11/3/2021 đến 13/12/2021, Mãnh, Thi, Trí, Có và Nam lần lượt bị khởi tố điều tra.

Quá trình điều tra cũng như tại tòa, bị cáo Mãnh thừa nhận thực hiện hành vi như cáo trạng nêu, nhưng không biết hành vi đó phạm tội gì, cho rằng việc làm của mình không phải làm “hàng giả”. Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo như cáo trạng đã nêu. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định, khoảng tháng 6/2019 đến 3/2021, Mãnh và Thi đã sản xuất hàng giả có giá trị tương đương hàng thật gần 780 triệu đồng, thu lợi khoảng 300 triệu đồng.

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Trần Trí Mãnh 8 năm tù và nộp phạt bổ sung 50 triệu đồng; Hồng Mỹ Thi 7 năm tù theo Điểm a, Khoản 3, Điều 192 Bộ luật Hình sự. Nguyễn Văn Có và Chu Đình Thiện Trí mỗi bị cáo nhận 2 năm tù; Trần Kỳ Nam 1,5 năm tù theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 192 Bộ luật Hình sự cùng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

NGUYỄN HƯNG

 

Liên kết hữu ích