Sáng 28-8: Không ca mắc mới

28/08/2020 - 08:43

Sáng 28-8, Việt Nam không phát hiện thêm ca mắc Covid-19 mới. Bộ Y tế yêu cầu, một số bệnh viện tại các tỉnh, thành phố hiện nay chưa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và kiểm điểm những bộ phận làm chưa tốt.

Tính đến 6 giờ ngày 28-8, Việt Nam ghi nhận 1036 ca mắc Covid-19, đã điều trị khỏi cho 637 ca, chiếm tỷ lệ gần 62%.

Việt Nam có tổng cộng 688 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 548 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 69.485 người. 

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, trong số các ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có 127 ca âm tính với SARS-CoV-2, trong đó có 31 ca âm tính lần 3. 

Chưa có ca tái dương nào có thể lây nhiễm trong cộng đồng

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 27-8, GS, TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế đã có những trao đổi về một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh, cho về nhà.

Theo đó, quyền Bộ trưởng cho biết, những kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, chưa có trường hợp nào tái dương có thể lây nhiễm trong cộng đồng.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng việc tái dương tính với SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền.

Quyền Bộ trưởng cho biết, trên tinh thần hết sức thận trọng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở điều trị Covid-19 trong tiêu chuẩn công bố khỏi bệnh là bệnh nhân phải âm tính ít nhất ba lần. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đề nghị các cơ sở y tế phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ bệnh nhân trong một thời gian. Khi về nhà, bệnh nhân cũng cần theo dõi thêm 14 ngày. Điều này sẽ giúp bảo đảm an toàn tuyệt đối với các bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh.

Về những trường hợp người đi từ Việt Nam (từ Hà Nội, Hải Phòng,…) nhập cảnh vào một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại nước bạn, qua trao đổi với cơ quan đầu mối về kiểm dịch y tế quốc tế của các nước này thì được biết, nước bạn sử dụng loại sinh phẩm chẩn đoán nhanh dùng dịch tị họng, độ đặc hiệu là khoảng gần 80%. Tiêu chuẩn xác định ca bệnh Covid-19 của mỗi quốc gia là khác nhau.

Với Việt Nam, trên tinh thần cảnh giác cao độ, khi được thông báo về các ca dương tính này, chúng ta vẫn coi đây là một trường hợp nhiễm/nghi nhiễm Covid-19, các địa phương phải lập danh sách F1 và xét nghiệm các trường hợp đó.

Đơn cử, tại Hải Phòng, địa phương này đã truy vết F1, xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể với các trường hợp này đều cho kết quả âm tính. Điều đó cho thấy không có tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá về trường hợp khó này, nhưng đến nay WHO chưa có đầy đủ dữ liệu để đánh giá.

Đối với các địa phương khác trong trường hợp tương tự, Bộ Y tế đã yêu cầu truy vết F1 và xét nghiệm cả kháng nguyên, kháng thể các trường hợp này nhằm tìm mầm bệnh trong cộng đồng để bảo đảm an toàn tối đa. Đồng thời, tiếp tục làm việc với các đối tác để nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về tình trạng này.

Nhiều bệnh viện không đạt yêu cầu an toàn phòng chống dịch Covid-19

Tại công văn khẩn số 1156/KCB-QLCL &CĐT ban hành chiều tối ngày 27-8, gửi các bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường Đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các bộ, ngành về việc kiểm điểm công tác sàng lọc, phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn và điều dưỡng tại các BV, Cục Quản lý Khám chữa bệnh nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế đã tổ chức năm đoàn kiểm tra, đánh giá Bộ tiêu chí BV an toàn.

Trong tuần vừa qua, Đoàn số 1 đã kiểm tra một số BV tại TP. Hà Nội, tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh. Kết quả có một BV đạt mức an toàn là BVĐK tỉnh Bắc Ninh. Ba bệnh viện xếp loại an toàn ở mức thấp là BVĐK tỉnh Hà Nam, BV Thận Hà Nội và BV Phổi Hà Nội. Đặc biệt BVĐK Hồng Phúc, Bắc Ninh - cơ sở y tế tư nhân xếp loại chưa an toàn.

Vì thế, Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu khẩn Ban giám đốc các BV nêu trên tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác phòng, chống dịch; kiểm điểm một số bộ phận.

Đồng thời, Tiểu ban đề nghị Sở Y tế, y tế các bộ, ngành và BV tiếp tục triển khai đánh giá đúng thực chất theo Bộ tiêu chí BV an toàn, chỉ đạo các BV khẩn trương khắc phục ngay các vấn đề tồn tại.

Cùng ngày, Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng có công văn khẩn số 1155/KCB-QLCL về việc biểu dương Sở Y tế Hà Nội và triển khai đánh giá thực chất theo Bộ tiêu chí BV an toàn.

Theo đó, đa số các cơ quan quản lý trên cả nước đã tích cực triển khai công về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo ban đầu về tình hình kiểm tra, đánh giá Bộ tiêu chí BV an toàn phòng chống dịch Covid-19 và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tại các BV trực thuộc.

Cụ thể, đến ngày 21-8, Sở đã kiểm tra được 46/80 BV, trong đó có 34 BV xếp loại an toàn, chín BV an toàn ở mức thấp, ba BV không an toàn. Sở Y tế Hà Nội đã cho tạm dừng hoạt động ba BV vì không bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 biểu dương Sở Y tế Hà Nội đã tích cực, chủ động, triển khai công tác kiểm tra, đánh giá theo Bộ tiêu chí BV an toàn; đã thẳng thắn, quyết liệt cho tạm dừng hoạt động ba BV để khắc phục tồn tại và cải tiến an toàn phòng chống dịch.

Theo LAM NGỌC (Báo Nhân Dân)