Sáng kiến thiết thực trong lao động, sản xuất

09/06/2022 - 07:46

 - Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (gọi tắt là chương trình 1 triệu sáng kiến) được phát động trong hệ thống công đoàn toàn tỉnh đã thúc đẩy khí thế thi đua của đoàn viên, người lao động (NLĐ) ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN). Không chỉ đạt và vượt về số lượng đăng ký ở giai đoạn 1, những ý tưởng của đoàn viên còn đạt chất lượng khi góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, làm lợi rất lớn về kinh tế cho đơn vị, DN.

Khen thưởng các sáng kiến tiêu biểu của người lao động đóng góp cho sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp

Lợi ích thiết thực

Sáng kiến “Cừ vuông bê-tông dự ứng lực” của anh Trần Văn Út (Giám đốc Nhà máy bê-tông Châu Thành, thuộc Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần xây dựng Bách Khoa Long Xuyên) là một trong số điển hình. Từ tháng 9/2021, công ty của anh Út tham gia thi công khắc phục sạt lở công trình Tỉnh lộ 957 (huyện An Phú). Thời điểm này, công ty đã và đang sản xuất cừ ván, trong khi cọc vuông 35x35 chưa có sản phẩm. Trong gói thầu, phương án thi công phải sử dụng cừ ván và cọc vuông 35x35 bê-tông dự ứng lực với giá trị gần 4 tỷ đồng so với dự toán công trình. Cọc vuông nếu đổ tại chỗ thì sản xuất không được nhiều và độ thẩm mỹ, độ bền không cao theo yêu cầu.

Anh Trần Văn Út đã nghiên cứu sử dụng các thiết bị thi công có sẵn của sản phẩm cừ ván bê-tông dự ứng lực, như: Trạm trộn, phễu chứa bê-tông, bệ căng cáp và đường lai dài 80m... để thay thế cột vuông 35x35. Sau thời gian nghiên và thực nghiệm, anh Út đầu tư khung để tự chế tạo. Gần 2 tháng nghiên cứu, anh đã thành công cho ra đời sản phẩm đạt chuẩn KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) và mạnh dạn đề xuất, báo cáo trước hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc tính khả thi của sáng kiến. Sản phẩm ra đời giữa tháng 11/2021, đáp ứng nhu cầu các công trình kè sạt lở Tỉnh lộ 957 (huyện An Phú) và kè sạt lở xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn), làm lợi cho công ty hơn 400 triệu đồng.

Một ý tưởng khác là của anh Trương Thanh Việt (Quản đốc nhà máy nước Phú Hòa, Xí nghiệp Điện nước Thoại Sơn) với sáng kiến “Tiết kiệm hóa chất trong xử lý nước (PAC)”, đã tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng. Anh Việt cho biết, ý tưởng này nhằm giảm hóa chất trong xử lý nước mà vẫn đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn quy định. Từ đó, giảm được chi phí trong sản xuất, tăng doanh thu, đạt lợi nhuận cao cho đơn vị. Với sự nỗ lực của toàn nhà máy trong năm vừa qua, công tác tiết kiệm hóa chất trong xử lý nước đã đạt được kết quả vượt chỉ tiêu đơn vị được giao.

Kết quả so sánh PAC theo kế hoạch 20g/m3 nước tiêu thụ và thực hiện chỉ 12g/m3 nước tiêu thụ cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sản lượng nước tiêu thụ nhà máy năm 2021 là 1.899.092m3. Nếu theo kế hoạch sử dụng PAC 20g/m3 thì tốn chi phí hơn 1,3 tỷ đồng. Trong khi thực tế sử dụng PAC 12g/m3 thì khoản chi phí chỉ hơn 797 triệu đồng. Xét về hiệu quả kinh tế, sáng kiến giúp công ty tiết kiệm được hơn 531 triệu đồng. Sáng kiến của anh Việt còn được áp dụng trong phạm vi huyện Thoại Sơn.

Khích lệ tinh thần thi đua

Hưởng ứng chương trình 1 triệu sáng kiến trong DN, dù số lượng tham gia còn hạn chế, nhưng các sáng kiến được đánh giá cao về tính hữu dụng. Trong đó, tập trung vào các giải pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý trong lao động sản xuất, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng suất, giúp DN khắc phục khó khăn, ổn định, hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.

Trở lại với sáng kiến của anh Út, để kịp thời biểu dương, động viên tinh thần của đoàn viên, NLĐ tích cực thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tại đơn vị, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã đề xuất Ban Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Bách Khoa Long Xuyên tổ chức thưởng nóng 40 triệu đồng cho anh. Cũng từ sáng kiến này, anh Út được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Tương tự, nhằm thúc đẩy tinh thần thi đua phát huy sáng kiến phục vụ trong sản xuất, nhiều DN trong tỉnh đã “treo thưởng” hàng tháng với các ý tưởng và hiệu quả thực tiễn do NLĐ đóng góp.

Tại Công ty TNHH An Giang Samho (Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành), sơ kết giai đoạn 1 đã có 700 sáng kiến của đoàn viên đăng ký thành công. Trong đó, có nhiều sáng kiến thể hiện được tính thích ứng cao với bối cảnh mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất của DN. Ban Giám đốc đã biểu dương 30 công nhân lao động có sáng kiến hay và khen thưởng 10 công nhân lao động có sáng kiến thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, mang lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh cho công ty.

“Đây là một thành quả rất quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt bậc của toàn thể cán bộ, đoàn viên và NLĐ công ty. Trong đó, nhiều cá nhân đoàn viên đã thể hiện tinh thần tiến công, đăng ký và tranh thủ nghiên cứu, cập nhật sáng kiến trong những ngày nghỉ”- Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH An Giang Samho Võ Thanh Nhã đánh giá.

Tính đến hết ngày 31/5/2022, toàn tỉnh An Giang có 8.321 lượt nộp sáng kiến, đạt 166,42% chỉ tiêu giai đoạn 1 (83,21% chỉ tiêu toàn chương trình). Trong đó, có 13/14 công đoàn cấp trên cơ sở và 6/10 khối thi đua trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh đạt chỉ tiêu giai đoạn 1.

 

MỸ HẠNH