Sầu đâu quê ngoại

09/09/2022 - 07:32

 - “Hồi đó, ngoại con thích ăn sầu đâu lắm…”. Tôi về thăm, nghe cậu mợ nhắc người cũ, chuyện xưa, quanh món đặc sản quê hương. Vật đổi sao dời, cảnh còn người mất. Ăn một miếng sầu đâu, nghe nồng đậm vị xứ sở, chẳng nỡ chia xa…

Đặc sản xứ lụa

Ngoại tôi sống cố cựu ở ấp Vĩnh Tường 2 (xã Châu Phong, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), từ cái hồi dệt lãnh mỹ A đang thời hưng thịnh. Hồi đó, cây sầu đâu mọc hoang bờ kênh, mọc tràn tới trước cửa nhà ngoại. Mười bữa nửa tháng, ngoại kêu con cháu lặt lá, đem vô làm gỏi. Chắc tôi là trường hợp ngoại lệ, khi ăn dè chừng từng lá sầu đâu, gom mấy loại “đồ bổi” khác lấp kín vị đắng trong miệng. Còn lại, người nhà, bà con xóm giềng ai cũng ghiền món này, gắp không ngơi đũa.

Người lớn tuổi như ngoại, dần khuất xa. Con cháu trưởng thành, có người lên chức ông bà, cũng bước vào thất thập. Đường sá được mở rộng, nâng cấp, nên cây sầu đâu vắng bóng, lùi dần vào trong đường nhỏ, trong nhà dân. Muốn ăn sầu đâu, chỉ có cách đi mua, chớ ở đâu ra? Mà mua cũng ba lần bảy lượt từ sáng sớm dặn người quen chừa lại. Chậm một chút, sầu đâu được đem ra chợ, loáng cái hết trơn. Có bữa thèm quá, mấy ông nhậu bứt lá già, đem vô ướp nước đá, nghe vị đắng hòa với cảm giác giòn giòn, rồi gật gù: “Cũng ngon chớ bộ!”.

Nhưng đó là cá biệt thôi. Gỏi sầu đâu đúng điệu cần kỳ công hơn một chút. Lá non (bữa nào hên, mua được bông càng quý) đem trụng qua nước sôi (muốn ngon nữa thì trụng với nước cơm sôi, nấu củi) cho bớt đắng. Lá ngả màu đậm, rũ xuống, óng ánh nước, đem tước bỏ cọng, bỏ vô thau nhỏ. Khô cá lóc, cá sặc… nướng cho thơm, xé nhỏ, bỏ vô thau luôn. Tùy theo ý thích, người ăn bỏ thêm thịt ba rọi xắt mỏng, tôm luộc, tàu hủ chiên, dưa leo, ngò rí, đậu phộng, xoài sống... Mợ tôi đi chợ, mua chỉ thiếu mỗi cà chua, nhưng bà cứ bứt rứt: “Có cà chua vô, thêm màu đỏ đỏ mới bắt mắt!”.

Bấy nhiêu đồ bổi được trộn lên cùng sầu đâu, coi như xong. Nhưng như vậy ăn rất nhạt miệng. Phải kèm theo nước mắm me vừa chua, vừa cay, vừa kẹo kẹo mang theo vị ngọt. Tất cả quện với nhau, vị này giằng xé vị kia, mà lại hòa hợp đến lạ lùng.

“Mợ từ xứ khác về đây làm dâu, cũng biết món ăn này, nhưng ít có dịp ăn. Tới hồi có bầu đứa lớn, thèm ăn sầu đâu dữ lắm. Đẻ nó ra, nó cũng thích ăn sầu đâu. Bởi vậy, cả nhà ăn thường xuyên. Bà con đi xa, hễ về quê là kiếm sầu đâu, mợ dặn người ta chừa mấy ký, để trong tủ lạnh ăn từ từ” - mợ thứ 6 của tôi kể lại.

Hái lá đổi tiền

Tôi quay lại gặp bà Nguyễn Thị Hằng (64 tuổi), cách nhà ngoại chưa đầy 1km, nhân vật từng xuất hiện trong bài viết của tôi 10 năm trước. Khi ấy, chồng của bà leo tuốt trên cây, bẻ đọt xuống cho chúng tôi chụp hình. Giờ, ông chỉ còn trong ký ức của người nhà.

“Mấy năm trước, ổng hái lá sầu đâu, sơ sẩy té. Tưởng không sao, ai dè một thời gian sau, bệnh này bệnh kia ập tới, ổng đi luôn… Sầu đâu còn đó, mà nhà tôi đâu ai hái được. Mỗi đợt sầu đâu cho lá, tôi phải mướn mấy đứa thanh niên gần nhà” - bà đưa mắt nhìn cây sầu đâu già cỗi trước nhà, đăm chiêu.

Cả đời, bà gắn bó với sầu đâu. Sầu đâu cũng sát cánh cùng bà trong từng bữa mưu sinh. Còn nhỏ, bà lẩn quẩn sau nhà, đùa giỡn bên gốc sầu đâu lớn tuổi hơn mình. Chớm thiếu nữ, biết lo toan việc nhà, bà hái lá ra chợ bán. Có bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Bán sầu đâu mà bà không biết ăn sầu đâu! Khách hỏi, bà cứ nói đại: “Ngon lắm, mua đi!”.

Khách ăn ngày càng nhiều, bà ráng ăn thử, lý giải vì sao người ta thích món đắng nghét này. Ăn được vài lần, bà mới thấm được cái ngọt, cái thơm, cái quý của vị sầu đâu. Rồi như lẽ tự nhiên, sầu đâu theo bà đến già, gắn chặt vào đời bà bằng công việc “bán sầu đâu”. Không chỉ bán lá, bà còn ương giống bán cây, còn mua thêm sầu đâu về trồng cho xôm tụ.

“Hổng biết sao, sầu đâu trồng ở xứ Châu Phong này vừa đắng, vừa thơm, lại có hậu ngọt. Ra khỏi xã này rồi, sầu đâu nơi khác nhẫn đắng, ăn không nổi. Bởi vậy, bà con hay nói, sầu đâu Châu Phong là “của trời cho”. Nhà nào vài cây, tiền bán lá cũng bạc triệu mỗi năm. Đầu mùa, lá sầu đâu có giá 120.000-130.000 đồng/kg, càng rộ mùa càng sụt, xuống còn 60.000 đồng/kg. Sau này, có thêm sầu đâu núi, sầu đâu Campuchia… đưa về, nhưng vẫn không ngon bằng xứ này” - bà Hằng chia sẻ.

Thật ra, để có lá bán quanh năm, cũng cần đầu tư chi phí thuê người lặt lá. Mỗi lần bỏ lá già, cây lại ra tược xanh non, người dân có lá đem ra chợ bán. Chứ bỏ thí bỏ liều, đến đầu tháng 10 (âm lịch), sau đợt rụng lá trơ trọi, cây mới “hồi sinh”, uổng mất mấy tháng thu nhập. Người ta hay dèm dèm hỏi mua cây, mà bà cương quyết không bán. Phần vì bà không nỡ rời xa “cây hái ra tiền”, phần lại vì sợ mai một loại cây này. Bà muốn, phần đời còn lại vẫn an yên dựa vào cây…

Một buổi sáng, tôi chìm trong ký ức của người quê, nửa buồn, nửa nhớ. Trước khi tôi về, mợ Sáu gửi ít sầu đâu cho mẹ tôi. Không chỉ là đặc sản ngon miệng, chúng còn tượng trưng cho chút tình quê, gợi nhớ cuộc sống mà mẹ tôi, cậu mợ tôi cả đời gắn bó. Họ gắn bó với xứ sở, với nhau bằng nhiều điều, trong đó có vị đắng sầu đâu. Người ở đây, ăn thấy ngọt ngào, bình an. Người ở xa, ăn tới đâu, nghe rưng rức nhớ quê, nghe sầu tới đó…

Cùng với món bò leo núi, gỏi sầu đâu được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập trong “Top 100” món ăn đặc sản của Việt Nam (lần V, 2021-2022) vào cuối tháng 8 vừa qua.

GIA KHÁNH