Theo Sở GD&ĐT, sau 5 tuần thực dạy đối với cấp tiểu học, đến nay các trường đã dần đạt được mục tiêu giáo dục, từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học đối với cấp Tiểu học.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đa dạng các hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế khi học sinh chưa thể đến trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19: Dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình (ATV, MyTV và các kênh truyền hình giáo dục khác …), giao bài tự học, đăng tải video bài giảng hoặc nội dung tóm tắt bài học trên trang web của nhà trường nhất là các môn chưa thực hiện dạy học trực tuyến … theo hướng chủ động, linh hoạt, lựa chọn nội dung trọng tâm, cốt lõi để giảng dạy, rèn luyện các kỹ năng cơ bản cần thiết cho học sinh để làm cơ sở đánh giá theo quy định.
Nội dung, chương trình, môn học, thời lượng dạy học khi lên lớp được các nhà trường chủ động, linh hoạt nhưng phải đảm bảo khoa học, vừa sức của học sinh, không để các em ngồi quá nhiều thời gian trên máy tính, nền tảng của nội dung dạy học vẫn là cung cấp các kỹ năng nghe nói, đọc viết, tính toán cần thiết, lồng ghép giáo dục đạo đức (đối với học sinh lớp 1, 2) và kỹ năng viết đúng chính tả, khả năng luyện từ, đặt câu, cách viết đoạn văn, bài văn, làm toán đúng và lồng ghép giáo dục đạo đức (đối với học sinh lớp 3, 4, 5).
Ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế của các trường, có thể bổ sung một số hoạt động vui chơi, giải trí và hoạt động bổ trợ hình thành kỹ năng như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất nhằm giúp học sinh cảm thấy không nhàm chán khi tham gia học tập trực tuyến. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn học sinh các bài thể dục thư giãn về mắt, tư thế ngồi học đúng cách, giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh…
Tiếp tục phối hợp chỉ đạo quay video ngân hàng bài giảng đảm bảo chất lượng về nội dung, kỹ thuật, phù hợp với đặc trưng của từng môn học và hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu sử dụng chung cho các địa phương trong tỉnh.
Tăng cường giữ mối liên hệ với phụ huynh học sinh, tranh thủ sự đồng thuận, cảm thông, đồng hành, chia sẻ của phụ huynh với những khó khăn của nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Thống nhất với phụ huynh một số khung giờ dạy học phù hợp để phân hóa lớp học theo điều kiện sinh hoạt của học sinh và phụ huynh trong ngày.
Hiệu trưởng các trường tiểu học có biện pháp khảo sát nắm tình hình về chất lượng, hiệu quả sau thời gian tổ chức dạy học (mức độ đạt được của học sinh về kiến thức và kỹ năng). Tiếp tục nghiên cứu góp ý cho dự thảo hướng dẫn tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, chuẩn bị các điều kiện, phương án để tổ chức kiểm tra trực tuyến đảm bảo khách quan, công bằng khi học sinh chưa thể trở lại trường học trực tiếp do dịch bệnh còn phức tạp kéo dài.
Hiệu trưởng các trường tiểu học theo dõi những phát sinh trong quá trình tổ chức dạy học của đơn vị để kịp thời giải quyết; hiệu trưởng thường xuyên dự họp trực tuyến với tổ chuyên môn và cùng với giáo viên nắm bắt những khó khăn vướng mắc, các vấn đề chuyên môn còn hạn chế, bất cập để định hướng điều chỉnh phù hợp; tuyệt đối không tạo áp lực không cần thiết cho giáo viên.
Tin, ảnh: HỮU HUYNH